PDA

View Full Version : Bài học từ “Thập kỷ mất mát của Nhật Bản” và giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam hiện nay (Phần 2)



minhphuonglh
23-05-2012, 03:17 PM
22/05/2012 — Tran Hai (http://finance.vietstock.vn/HAI-ctcp-nong-duoc-h.a.i.htm) Yen
Research Group
http://pgbankresearch.wordpress.com

------------------

Bài học của Nhật Bản

Những gì Nhật Bản đau đớn trải qua trong những năm 1990 đem đến cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế nhiều sự chỉ dẫn hữu ích. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng biện pháp ứng phó của giới chức Nhật Bản là quá chậm và chưa quyết liệt. Một sai lầm nữa của Nhật Bản là không đảm bảo đủ sự thanh khoản cho nền kinh tế vì cho rằng chỉ cần duy trì lãi suất ở mức thấp là đủ. Tình trạng này cộng với những sai lầm trong chính sách đã làm cho cuộc khủng hoảng kéo dài sang đầu thế kỷ 21. Một số bài học được rút ra là:


Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt. Năm 2000, NHTW Nhật Bản dỡ bỏ chính sách lãi suất 0% và năm 2001 thực hiện hạ lãi suất bằng cách áp dụng chính sách nới lỏng định lượng (tăng cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở).
Quốc hữu hóa một số ngân hàng (Long term Credit Bank và Nippon Credit Bank – 1998, Resona Bank, Ashikaga – 2003,…), giải cứu các tổ chức tài chính và tín dụng nhỏ để giảm thiểu áp lực cho hệ thống.
Lành mạnh hóa ngành ngân hàng bằng việc giải quyết triệt để các khoản nợ xấu. Hệ thống tài chính ngân hàng được cải thiện, các doanh nghiệp có khả năng vay vốn với chi phí thấp, giảm nợ, có điều kiện mở rộng khả năng sản xuất, tạo thêm nhiều công ăn việc làm.
Thực hiện các chương trình hồi sinh ngành tài chính (Financial Revitalization Program) và thành lập các tập đoàn, công ty hỗ trợ các ngành quan trọng như Tập đoàn hồi sinh ngành công nghiệp (Industrial Revitalization Corporation – IRCJ).
Khi áp lực suy giảm chững lại, khả năng giảm phát tăng, NHTW không nên tránh các biện pháp can thiệp mạnh tay mà nên đưa ra các giải pháp táo bạo kể cả khi khủng hoảng đã dịu bớt.
Chính phủ nên có các thông điệp rõ ràng đến thị trường về các mục tiêu ngắn hạn và tuyên bố tiếp tục hỗ trợ thị trường cho đến khi nền kinh tế phục hồi.

Hiện trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay

Giảm lãi suất nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được vốn

Đứng trên quan điểm các NHTM cũng là các doanh nghiệp thì trước hết họ cũng phải vì lợi ích của chính mình. Vì thế kinh tế càng khó khăn, doanh nghiệp càng khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng do hàng loạt các rào cản, các chuẩn tín dụng mới được đưa ra dù đã có những hỗ trợ từ việc nới lỏng các quy định cho vay từ phía NHNN.

Do đó, vấn đề doanh nghiệp không tiếp cận được vốn hiện nay không nằm ở vấn đề lãi suất mà nằm ở việc xử lý nợ xấu.

Nền kinh tế đang có dấu hiệu rơi vào giảm phát, sản xuất trì trệ

Dấu hiệu nền kinh tế đi xuống, rơi vào giảm phát đang ngày càng lộ rõ khi lạm phát giảm nhưng hàng loạt doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động, thất nghiệp gia tăng.


Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4.2012 chỉ tăng 0,05%, mức thấp nhất trong 2 năm qua và giảm tháng thứ 9 liên tiếp, riêng Hà Nội và TP.HCM thì CPI có mức tăng trưởng âm.
Tính đến cuối tháng 4/2012, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống giảm 0,66% so với cuối năm 2011. Tín dụng giảm cũng là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 4%, đe dọa mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% của năm 2012, dẫn tới hàng loạt nguy cơ mất việc làm và an sinh xã hội.
Tính tới 30/4/2012, trong tổng số hơn 600.000 doanh nghiệp, đã có gần 82.000 doanh nghiệp giải thể, hơn 16.000 doanh nghiệp đăng ký dừng hoạt động. Riêng 4 tháng đầu năm 2012 đã có gần 18.000 doanh nghiệp phá sản, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ 2011.
Bán lẻ vốn là ngành rất sôi động cũng đã trầm lắng, rơi xuống vùng tăng trưởng âm trong những tháng gần đây và các nhà bán buôn, bán lẻ cũng là đối tượng phá sản nhiều nhất.

Đi sâu vào những vấn đề cụ thể, các chuyên gia kinh tế chỉ ra nguy cơ đáng lo ngại của tình trạng giảm phát “ẩn” trong những biểu hiện tưởng chừng như tích cực. Lạm phát giảm, nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định nhưng nhập siêu giảm bởi vì doanh nghiệp phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đem lại kết quả xuất siêu cho nền kinh tế. Doanh nghiệp không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu khiến quỹ ngoại tệ tăng lên.

“Nền kinh tế tăng trưởng thì lạm phát có thể được giải quyết, nhưng không có tăng trưởng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Vì từ đây sẽ xuất hiện sản xuất đình đốn, thất nghiệp tràn lan, việc làm thiếu thốn và gây ra các hậu quả khó lường về mặt xã hội”, TS. Lê Đăng Doanh – Chuyên gia kinh tế cao cấp nói.

Tín dụng giảm trong 4 tháng đầu năm là bất thường trong những năm trở lại đây. Nó thể hiện nền kinh tế đang đình đốn và chuyển sang giảm phát. Căn bệnh giảm phát sẽ khó chữa hơn lạm phát bởi khi giảm phát các doanh nghiệp “đã chết” thì không thể cho uống thuốc gì để cứu sống được.

Các giải pháp được áp dụng tại Việt Nam hiện nay

Đứng trước hiện trang nền kinh tế với những dấu hiệu của giảm phát, tăng trưởng kinh tế thấp, và dựa trên bài học của Nhật Bản trong thập kỷ 90 với các dấu hiệu tương tự, một số giải pháp được đưa ra là:


Xử lý mạnh tay với các khoản nợ xấu trong ngân hàng
Có chính sách hỗ trợ đúng đối tượng là các doanh nghiệp gặp một số khó khăn, có phương án hoạt động kinh doanh đem lại hiệu quả và có khả năng mở rộng, phát triển sản xuất. Hiện nay, NHNN mới có một công văn duy nhất có nội dung cho phép doanh nghiệp gia hạn nợ, xem xét giảm lãi suất. Nhưng trên thực tế, quy định này dường như vô nghĩa đối với các doanh nghiệp đã không thể trả được nợ. Do đó, điều quan trọng là phải giải quyết tận gốc vấn đề nợ xấu.
Chính phủ mua lại toàn bộ nợ xấu thông qua công ty mua bán nợ, hoặc qua các ngân hàng TMCP có vốn Nhà nước chi phối để giúp giảm bớt gánh nặng cho các NHTM và doanh nghiệp cũng như làm sạch bản cân đối kế toán.
Chính sách tín dụng cũng cần được mở rộng cho tất cả các đối tượng khách hàng đáp ứng đủ điều kiện. Đồng thời, trần lãi suất cho vay 15%/năm cần mở rộng hơn ở các lĩnh vực khác trong thời gian tới.
Chính phủ bơm tiền cho nền kinh tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc lấy tín phiếu ngắn hạn tại các ngân hàng sau đó hoán đổi thành các kỳ trung và dài hạn. Câu hỏi về nguồn vốn và nỗi lo lạm phát sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, việc này cần phải được tiến hành ngay vì càng tiến hành chậm thì giá phải trả trong tương lai có thể càng đắt.
Thành lập Quỹ hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Miễn thuế GTGT, nhận thế chấp hàng tồn kho. Đây được cho là một trong những giải pháp để hãm đà giảm phát hiện nay. Theo các chuyên gia, giải pháp thời gian qua như gói cứu trợ về chính sách thuế 29.000 tỉ đồng, giảm lãi suất chưa đánh trúng vào khó khăn của doanh nghiệp. Hàng tồn kho phải giải quyết để doanh nghiệp tiếp tục quay vòng vốn sản xuất thông qua miễn thuế GTGT chứ không chỉ là hoãn. Bởi giảm giá bán rất quan trọng, nó có thể thúc đẩy được phần nào tiêu thụ. Nếu thuế GTGT chỉ giãn ra thì 4-5 tháng sau cũng không thể giảm giá bán được. Ngoài ra, Ngân hàng chấp nhận lấy hàng tồn kho làm tài sản thế chấp cho doanh nghiệp vay tiếp, giúp họ có đầu ra thì mới tiếp tục sản xuất, và tạo điều kiện sản xuất với chi phí rẻ hơn song song với việc kéo lãi vay xuống thấp hơn nữa.
Hỗ trợ cho xuất khẩu mạnh hơn nữa. Vừa qua, Trung Quốc hỗ trợ toàn diện cho xuất khẩu từ hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm lãi suất, tạo điều kiện xây dựng nhà xưởng, kho hàng, giảm phí vận tải,…nhờ đó hàng hóa xuất khẩu giá thành rẻ, cạnh tranh được thị trường nước ngoài.
Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về sự trì trệ của nền kinh tế và đưa ra các biện pháp hữu hiệu để giúp nền kinh tế thoát khỏi tình trạng trì trệ này.

Cuối tuần qua, Thống đốc NHNN dự báo lạm phát cuối năm 2012 sẽ ở mức 8,5% và khi đó lãi suất huy động trong hệ thống ngân hàng sẽ ở mức 9 -10%. Với các chính sách tiền tệ và tài khóa đồng bộ và linh hoạt, cũng như các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để có thể tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, Việt Nam có thể giải quyết được nguy cơ giảm phát hiện nay. Một khi nguồn vốn được khơi thông, tín dụng tăng lên, sức mua của nền kinh tế được cải thiện, hàng tồn kho được lưu chuyển, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa thì sản xuất mới được khôi phục, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống xã hội.