PDA

View Full Version : 3 kịch bản cho giá vàng



1000percent
05-12-2011, 12:00 PM
3 kịch bản cho giá vàng

Giá vàng tăng 20-30%/năm, biến động tăng cao 50% lên mức 2,500-3,000 USD/ounce hay giảm mạnh về dưới 1,000 USD/ounce. Đâu sẽ là kịch bản cho giá vàng trong thời gian tới?

Một thế kỷ rưỡi trước, trong học thuyết của mình, Các-Mác đã xác định vàng là tiền thật, có chức năng thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, phương tiện cất trữ. Hiện nay, sau những biến động lớn lao của thế giới, tiền giấy từ chỗ là biên nhận của vàng do Ngân hàng đưa ra (bank note) đã dần “gần như thay thế vàng” làm chức năng thước đo giá trị và chức năng phương tiện thanh và vàng lại nổi lên như là hàng hóa của đầu tư, đầu cơ. Ngoài ra, nhu cầu vàng cho trang sức lớn lao nhiều song hành với quy mô khai thác vàng trên thế giới.

Hiện nay, giá vàng được hình thành trên cân đối cung – cầu trên thế giới. Nhưng là cung – cầu có đầu tư, đầu cơ. Cung vàng là lực bán ra của nhà khai thác (cơ bản, thường xuyên) và nhà đầu tư (tùy lúc), cầu vàng là lực mua vào của nhu cầu dùng vàng làm trang sức cộng với nhà đầu tư (tùy lúc). Giữa một khoảng thời gian, giả sử lực mua và lực bán vẫn cân đối thì như những hàng hóa khác, giá vàng sẽ biến động theo chỉ số lạm phát của đồng tiền làm thước đo giá trị. Ở đây tạm xem giá vàng theo Đô la Mỹ (USD) thì giá vàng tăng khi đồng USD được phát hành nhiều ra thị trường.

Như thế, có thể hình dung 3 kịch bản cho giá vàng trong thời gian tới:

Kịch bản 1: Giá vàng biến động như những năm gần đây (tăng khoảng 20% đến 30%/năm) trên cơ sở không có những thay đổi lớn. Nước Mỹ vẫn phát hành USD nhiều thông qua bội chi ngân sách lớn; nhu cầu vàng làm trang sức tăng cao ở châu Á, nhất là Trung quốc và Ấn độ là những quốc gia đông dân đang phát triển; một số Ngân hàng Trung ương quốc gia mua vàng dự trữ như Nga và Trung Quốc.

Theo kịch bản này, các nhà đầu cơ sẽ điều tiết giá vàng ở mức tăng này vì đạt kỳ vọng đầu tư (lợi nhuận 20% nên chốt lời). Kịch bản này là xác xuất xảy ra nhiều nhất. Việc giá vàng “nhảy lên” 20% khi đã tích tụ mất cân đối USD – vàng thường xảy ra trong giai đoạn ngắn như lịch sử những năm qua khi được xúc tác bởi một thông tin tác dụng (năm nay là hạ xếp hạng tín dụng). Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra kịch bản hiếm và khá hiếm.

Kịch bản 2 – kịch bản xác suất hiếm – Giá vàng biến động cao 50% trở lên. Có những nhận định giá vàng sẽ là 2,500 USD/ounce hoặc cao đến 3,000 USD/ounce trong năm 2012.

Những nhận định này đều có cơ sở thực tế dù là xác suất hiếm, đó là:

- Tiền nằm trong các kênh đầu tư trên thế giới (trái phiếu chính phủ, chứng khoán, đầu cơ hàng hóa…) quá lớn so với quy mô đầu tư vàng. Chỉ trái phiếu chính phủ Mỹ cũng đã là 15,000 tỷ USD, trong khi năng lực sản xuất vàng trên thế giới bị giới hạn nhiều. Chỉ cần “ai đó” chuyển một phần nghìn trái phiếu chính phủ Mỹ sang vàng trong một vài phiên (bán 15 tỷ USD để mua vàng ~ 300 tấn vàng) thì vàng sẽ “phi mã”. Điều này dù hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra trong giai đoạn giới đầu tư đang băn khoăn, dễ xúc cảm trước tình hình nợ công Eurozone và sự tồn tại của đồng Euro, cũng như sự lo ngại về cơn khủng hoảng lan rộng toàn cầu bắt nguồn từ thất nghiệp tăng cao khó lối thoát của nền kinh tế đầu tàu thế giới – Mỹ.

- Lịch sử giá vàng 10 năm trở lại đây đã tăng “quá kỳ vọng” của những nhà đầu cơ (từ 250 USD lên cao 1,700 USD), để lại một “dấu ấn quán tính” khi xem vàng là “nơi trú ẩn an toàn” trước những biến động kinh tế dễ tổn thương.

Đặt kịch bản này ra nhằm bổ sung những thông tin, nhận định khi xem xét những kiến nghị Nhà nước huy đông vàng trong dân nhằm bổ sung dự trữ quốc gia và sử dụng đầu tư phát triển kinh tế. Khi ấy, Nhà nước sẽ bán vàng ra, thu về USD hoặc tiền đồng. Nếu giá vàng tăng cao, người dân rút ra để bán thì Nhà nước dùng vàng nào để trả. Agribank đã có bài học về huy đông và cho vay vàng, kết quả để lại nợ xấu lớn vì người vay không trả được nợ khi giá vàng tăng cao.

Kịch bản 3 – khá hiếm xảy ra: Giá vàng giảm mạnh, trở về dưới 1,000 USD/ounce. Điều này cũng được l số nhà phân tích đầu cơ nhận định. Dù rất hiếm xảy ra trong tình hình hiện nay nhưng hoàn toàn có cơ sở vì giá vàng ở mức 1,700 USD/ounce là “giá đầu cơ – giá bong bóng”.

Giá vàng hiện nay được hình thành từ quan hệ mua bán ký quỹ (margin) của các nhà đầu cơ (chỉ cần ký quỹ 22%). Nếu đầu cơ bị xì hơi thì giá vàng sẽ được định đoạt giữa người bán là nhà khai quặng và người mua là người dùng vàng làm trang sức. Khi ấy cả hai nhà đều thống nhất giá vàng ở mức dưới 1,000 USD/ounce là giá đảm bảo khai quặng có lãi, người dùng trang sức chấp nhận. Lịch sử những năm 1980 đã xảy ra khi giá vàng thế giới giảm từ 800 USD xuống 250 USD/ounce và duy trì mức này trên 10 năm đến 2001.

Sở dĩ giá về dưới 1,000 USD/ounce vì đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm, nhỉnh hơn mức tăng các hàng hóa cơ bản khác, đồng thời ở mức 60 đến 70% giá vàng trắng (platinum - hiện giá khoảng 1,500 USD/ounce). Điều này dù khá hiếm nhưng có thể xảy ra khi một biến động lớn xảy ra khiến giá vàng giảm sâu, như việc sàn vàng tăng mức ký quỹ vừa qua. Khi đến ngưỡng giải chấp mà không có lực đỡ mạnh thì hiện tượng giải chấp liên hoàn xuất hiện, đẩy giá vàng xuống dưới 1.000 USD/ounce.

Sẽ thật sự khó nhận biết cách hành xử của Ngân hàng Trung ương các nước thặng dư ngoại tệ khi giá vàng giảm sâu (có mua vào mạnh hay không ?) và cũng thực sự khó đoán hành động của các nhà đầu tư đối với vàng khi một biến động lớn xảy ra. Chẳng hạn nếu nợ công Châu Âu sụp đổ thì nhà đầu tư sẽ quay lại mua mạnh vàng như là nơi trú ẩn an toàn hay phải bán mạnh vàng ra để bù đắp thua lỗ do giảm giá cổ phiếu – một điều tất yếu xảy ra khi các nhà đầu tư cũng magin cổ phiếu, nhất là cổ phiếu ngân hàng.

Một vấn đề cũng cần tham khảo là giá vàng thế giới tăng cao từ 1973 khi Mỹ bỏ cơ chế bản vị vàng (mỗi đồng USD phát hành phải được bảo đảm bằng một lượng vàng cố định trong ngân khố Mỹ) và phát hành mạnh USD để bù đắp thiếu hụt ngân sách trong và sau chiến tranh hải ngoại. Thập kỷ 1980, nước Mỹ không phát hành nhiều và bong bóng đầu cơ vàng xì hơi. Đến 2011, Mỹ phát động chiến tranh tại Afganistan và Iraq, bù đắp bão Katrina, nên phát hành nhiều tiền, giá cả vàng tăng cao. Nay hai cuộc chiến hải ngoại của Mỹ gần tàn, việc giảm thâm hụt ngân sách đang là vấn đề nóng bỏng tại Mỹ thì chưa hiểu tác động thế nào đến giá trị đồng USD và giá vàng thế giới.


Sông Ray