PDA

View Full Version : Phá sản, ích gì mà yêu cầu!



tintucsukien
21-11-2011, 08:48 AM
Phá sản, ích gì mà yêu cầu!
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay đã có ít nhất gần 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động. Con số này trên thực tế có thể còn cao hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng, lạ thay số đơn nộp đơn xin phá sản tại tòa án lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Vì sao vậy?
Theo ông Nguyễn Công Phú, Phó chánh Tòa Kinh tế TPHCM, các trường hợp yêu cầu phá sản hầu hết mang tính đối phó nhiều hơn là do ý thức tự giác. Ví dụ, doanh nghiệp nhà nước bị buộc phải làm khi có chỉ đạo, yêu cầu của cơ quan chủ quản. Nếu không làm, lãnh đạo có thể sẽ bị kỷ luật hoặc không được đề bạt... Còn đối với công ty tư nhân, việc nộp đơn yêu cầu phá sản trong không ít trường hợp là một việc chẳng đặng đừng trước áp lực của chủ nợ. Áp lực ở đây phải đến mức rất căng, thậm chí bị chủ nợ sử dụng những biện pháp bất hợp pháp như đe dọa, hành hung... Lúc đó, con nợ mới cầu cứu đến tòa để nhằm chứng minh mình đã hết tài sản và từ đó thoát khỏi áp lực từ phía chủ nợ.
Chỉ có một số ít chủ nợ nước ngoài (ngân hàng, doanh nghiệp) nộp đơn xin phá sản là xuất phát từ thói quen cũng như yêu cầu minh bạch và trách nhiệm giải trình (với cổ đông, chủ nợ...).
Lợi bất cập hại
Thẩm phán Phú cho rằng sở dĩ đa số doanh nghiệp chưa mặn mà với chuyện xin phá sản bởi họ chưa nhìn thấy được lợi ích rõ ràng trong việc này.
Với những chủ nợ là người lao động, thường phần lớn tiền lương đều đã được doanh nghiệp giải quyết trước, số nợ còn lại không lớn đến mức họ phải đưa vụ việc ra tòa yêu cầu giải quyết. Hơn nữa, người lao động vừa không rành luật pháp, lại vừa không đủ tài lực để đeo đuổi vụ phá sản.
Còn đối với chủ nợ ngân hàng thì thông thường các khoản vay nợ đều có tài sản bảo đảm. Với ưu thế nói trên, hơn nữa trong điều kiện con nợ đã lâm vào tình trạng khó khăn, tài sản chẳng còn gì nữa, để thu hồi nợ các ngân hàng luôn lựa chọn phương án giải quyết bằng việc khởi kiện vụ án dân sự thay vì yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Giám đốc một ngân hàng xin giấu tên cũng nói thẳng việc mở thủ tục phá sản chẳng thấy có lợi lộc gì ngoài chuyện rước thêm phiền phức, bất lợi. Ví dụ, luật quy định việc xử lý tài sản bảo đảm của doanh nghiệp với các chủ nợ có bảo đảm sau ngày tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải bị tạm đình chỉ và chỉ được thực hiện khi tòa cho phép. Điều này dẫn đến việc thu hồi nợ bị kéo dài và càng kéo dài, theo quy định của ngành ngân hàng, càng bị liệt vào diện “nợ xấu”. Mà nợ càng xấu thì ngân hàng càng phải trích lập dự phòng lớn. “Đây là điều chẳng ngân hàng nào muốn cả, nhất là trong thời điểm khó khăn về huy động vốn như hiện nay”, vị giám đốc bày tỏ.
Không chỉ ngân hàng mà các chủ nợ khác cũng có những lựa chọn tương tự nhằm bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất có thể. Theo ông Phú, trong ba phương án: nộp đơn yêu cầu phá sản; giải quyết bằng một vụ kiện dân sự đòi nợ và không làm gì cả thì thông thường các chủ nợ chọn hai phương án sau cho dù Luật Phá sản quy định khi có dấu hiệu phá sản doanh nghiệp phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Chế tài trừng phạt đối với hành vi không nộp đơn, theo quy định hiện hành, chỉ từ 1-3 triệu đồng. Hơn thế nữa, chế tài trên rất khó khả thi. “Theo quy định, ngoài việc phạt tiền luật quy định biện pháp khắc phục là buộc doanh nghiệp nộp đơn theo yêu cầu của tòa án có thẩm quyền. Vậy, buộc là buộc như thế nào? Họ không làm thì có cưỡng chế được không? Cưỡng chế như thế nào? Chưa nói, ai có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện vi phạm? Phát hiện bằng cách nào?”, ông Phú băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng trong quá trình mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp có thể được hỗ trợ phục hồi bởi các chủ nợ. Quy định là thế, nhưng trên thực tế hầu hết doanh nghiệp khi đã ra tòa rồi thì đều đã trong tình trạng “hết thuốc chữa”, rất khó có khả năng phục hồi. Vì vậy, các chủ nợ cũng chẳng mấy thiết tha hoặc kỳ vọng vào chuyện yêu cầu phá sản để vực dậy hoạt động của doanh nghiệp con nợ.
Trên thực tế, còn xảy ra hiện tượng ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là chủ doanh nghiệp tìm cách bỏ trốn về nước để “xù” nợ. Trong trường hợp này, cho dù doanh nghiệp đã trên bờ vực phá sản nhưng việc giải quyết cũng bế tắc vì khó có thể đáp ứng được những thủ tục luật định. Ví dụ, phải cung cấp báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp; phải cử người đại diện tham gia trong tổ quản lý, thanh lý tài sản; phải đóng tiền tạm ứng phí phá sản...
Sợ bị “sờ gáy”?
Chẳng những lợi bất cập hại mà việc yêu cầu mở thủ tục phá sản có khi lại còn gây ra những phiền phức, chi phí tốn kém nữa. Ví dụ, theo quy định người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải đóng một số khoản chi phí ước tính khoảng vài chục triệu đồng, như tiền tạm ứng phí phá sản; chi phí đăng báo; thù lao cho tổ quản lý thanh lý tài sản... Với một doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng phá sản thì chi phí trên quả là một gánh nặng.
Luật Phá sản còn quy định: chủ doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản cấm không được quyền thành lập và giữ các chức vụ quản lý doanh nghiệp. “Như vậy, nếu doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản những người trên chỉ được phép đi làm thuê và giỏi lắm họ chỉ được đảm nhiệm các chức vụ từ cấp trưởng phòng trở xuống. Đây là một hình phạt nặng nề, đặc biệt là đối với những người có đam mê kinh doanh”, ông Phú nhận xét.
Một vấn đề “tế nhị” khác khiến cho không ít doanh nghiệp phải e dè là việc Luật Phá sản quy định trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì thẩm phán phải gửi hồ sơ cho cơ quan viện kiểm sát nhân dân xem xét, khởi tố về hình sự. Với những doanh nghiệp làm ăn gian dối như lập hai hệ thống sổ sách kế toán nhằm trốn thuế; lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của người khác, nếu có phá sản “be bét” rồi thì họ cũng chẳng dại gì yêu cầu để phải bị “vạch áo xem lưng” hoặc bị pháp luật “sờ gáy”, ông Phú bình luận.
Mỗi năm có chưa đến 10 vụ phá sản
Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó chánh Tòa Kinh tế TPHCM, cho biết kể từ khi Luật Phá sản có hiệu lực từ năm 2005 đến tháng 11-2011, tòa này thụ lý tổng cộng khoảng 55 đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, tức trung bình mỗi năm thụ lý chưa đến 8 vụ. Riêng hai năm gần đây số đơn yêu cầu có nhỉnh hơn nhưng năm 2010 cũng chỉ có 10 vụ và 10 tháng đầu 2011 có 11 vụ.
Vừa mất thời gian, lại tốn kém
Theo báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2008 do tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, ở phần tiêu chí giải thể doanh nghiệp, Việt Nam chỉ được xếp hạng 121/178. Thủ tục phá sản phải mất ít nhất 5 năm, tốn kém đến 15% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đối với các chủ nợ chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản.
Nguyên Tấn
tbktsg



Xem bài viết: Phá sản, ích gì mà yêu cầu! (http://vietstock.vn/ChannelID/768/Tin-tuc/207380-default.aspx)

tintucsukien
21-11-2011, 08:48 AM
Ích chứ (trừ khi tiền túi bỏ ra) còn tiền chùa thì ăn xong ai chả muốn đổ vỏ dại gì mà ôm vào (thậm chí còn muốn phá sản càng nhanh càng tốt hoặc tìm mọi cách biến tướng..).


Xem bài viết: Phá sản, ích gì mà yêu cầu! (http://vietstock.vn/ChannelID/768/Tin-tuc/207380-default.aspx)

tintucsukien
21-11-2011, 09:53 AM
"Với những chủ nợ là người lao động, thường phần lớn tiền lương đều đã được doanh nghiệp giải quyết trước, số nợ còn lại không lớn đến mức họ phải đưa vụ việc ra tòa yêu cầu giải quyết. Hơn nữa, người lao động vừa không rành luật pháp, lại vừa không đủ tài lực để đeo đuổi vụ phá sản."-

Nếu như này thì Công đoàn ở đâu? Nói một cách thẳng thắn thì tổ chức công đoàn ở các công ty hiện nay lập lên chỉ gọi là có theo thủ tục chứ chưa làm tròn trách nhiệm. Người đứng đầu tổ chức công đoàn lại là người trong BLĐ công ty nên quyền lợi của người lao động không được quan tâm.


Xem bài viết: Phá sản, ích gì mà yêu cầu! (http://vietstock.vn/ChannelID/768/Tin-tuc/207380-default.aspx)