PDA

View Full Version : Tái cấu trúc EVN Telecom: Không nên chậm trễ



tintucsukien
16-11-2011, 06:04 PM
Tái cấu trúc EVN Telecom: Không nên chậm trễ
Chính phủ vẫn chưa có qyết định cuối cùng về số phận của EVN Telecom, nhưng dù có quyết định theo hướng nào thì sự chậm trễ trong việc thay đổi, tái cấu trúc một doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả có thể sẽ mang đến thêm những hệ lụy không đáng có.
http://vietstock.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=49530Chậm trễ tái cấu trúc EVN Telecom sẽ không có lợi cho Nhà nước và cả thị trường.

Dù chỉ có hai hãng viễn thông đề nghị và lên phương án tiếp nhận EVN Telecom là Viettel và Hanoi Telecom nhưng cả thị trường đều trông đợi quyết định cuối cùng của Chính phủ. Quyết định đó không chỉ tác động mạnh đến tính cạnh tranh trên thị trường viễn thông thời gian tới mà còn chuyển tải thông điệp rõ ràng của Chính phủ về việc mua bán, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ theo hướng nào, nhất là các doanh nghiệp sống trong “bức tường” bao cấp quá lâu như các công ty trong ngành điện lực, trong đó có EVN Telecom.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam hé lộ hướng giải quyết của Nhà nước sẽ trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cạnh tranh: “Không làm tổn hại đến đối tác và khách hàng của công ty khác”. Dường như tuyên bố này nhằm trấn an những lo lắng của Hanoi Telecom, nơi cùng với EVN Telecom trúng thầu phần kinh doanh sinh lợi nhiều nhất là một nửa mạng viễn thông 3G.
Phía Hanoi Telecom đã hai lần gửi văn bản lên Chính phủ, một mặt bày tỏ sự lo ngại nếu EVN Telecom được sáp nhập với một nhà mạng đã lớn mạnh khác thì quyền kinh doanh “một nửa” mạng 3G của họ sẽ khó khăn. Mặt khác, thị trường viễn thông sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn khi thị phần của khối DNNN được nâng lên, còn thị phần của các doanh nghiệp non trẻ khác vì vậy mà suy giảm.
Lo ngại của Hanoi Telecom không phải là không có cơ sở trong bối cảnh tập đoàn Viettel đã chủ động thành lập ban tái cơ cấu và chuẩn bị phương án sáp nhập EVN Telecom. Hanoi Telecom, vì thế, chỉ còn cách đề nghị mua lại toàn bộ nguyên trạng EVN Telecom, thay vì chỉ mua “miếng ngon” nhất là mạng 3G, và sẽ trả bằng tiền mặt. Việc này được Hanoi Telecom xem là thế mạnh của mình bởi vì “khác với các DNNN chỉ nhận nợ trên sổ sách”.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, đánh giá việc để hai doanh nghiệp này đợi lâu đồng nghĩa với sự chậm trễ trong việc tái cơ cấu, mua bán DNNN. Lẽ ra Chính phủ phải có những hành động cần thiết sau các quyết định bán cổ phần ở EVN Telecom từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay không thành. “Tái cơ cấu doanh nghiệp như EVN Telecom càng để lâu càng mất giá vì sự thua lỗ càng cao hơn, không có lợi chung cho sự phát triển của Nhà nước và thị trường”, ông Trực nói. Ông lưu ý bài học trong việc chậm trễ tái cơ cấu Vinashin vẫn còn mang tính thời sự.
Thực tế sự chậm trễ này suýt chút nữa đã gây ra những hậu quả lớn về quản trị ở tập đoàn Điện lực (EVN) và EVN Telecom, nếu Chính phủ không có sự can thiệp kịp thời. Bằng chứng là EVN đã từng tính đến phương án giải quyết sự thua lỗ ở EVN Telecom bằng cách chuyển lỗ sang chi phí điện, chuyển nợ sang cho việc kinh doanh điện dưới hình thức tách một sóng mạng (carrier) sang phục vụ thị trường điện. Tuy nhiên việc này đã bị phát hiện và bị buộc dừng lại.
Một chuyên gia viễn thông khác cũng có chung quan điểm với ông Trực về việc Nhà nước cần hạn chế các quyết định hành chính trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp mà cần làm thế nào để các quyết định đó mang tính thị trường. Ví dụ như việc cần phải xác định rõ tài sản nào là của ngành điện nói chung, cái nào của EVN Telecom có được từ lợi thế kinh doanh viễn thông có thể mua bán được thì chia thành các gói riêng biệt và tổ chức bán đấu giá. “Như mạng 3G của EVN Telecom cũng nên đấu giá vì đây là tài nguyên của đất nước, không nên quyết định chuyển cho doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác.
Nếu chuyển giao cho Hanoi Telecom thì yêu cầu họ phải chứng minh với Nhà nước việc quản lý, kinh doanh 3G sẽ đem lại hiệu quả”, ông Trực nói. Còn vị chuyên gia viễn thông khác cho rằng, trừ trường hợp các gói tài sản của EVN Telecom mang đấu giá không thành công, các doanh nghiệp không mua, thì Nhà nước mới sử dụng quyết định hành chính để chuyển các phần đó về đâu. “Làm như vậy không có doanh nghiệp nào kêu Nhà nước chuyển đổi DNNN lòng vòng hay ép doanh nghiệp khác tiếp nhận EVN Telecom thiếu thuyết phục được”, vị này gợi ý.
Ngọc Lan
TBKTSG Online



Xem bài viết: Tái cấu trúc EVN Telecom: Không nên chậm trễ (http://vietstock.vn/ChannelID/768/Tin-tuc/206713-default.aspx)

tintucsukien
16-11-2011, 06:04 PM
Lãnh đạo Tổng Công ty CPC cho biết ước tính doanh thu viễn thông công cộng năm 2011 của 13 PC trực thuộc vào khoảng 150 tỷ, doanh thu viễn thông công cộng chỉ bằng doanh thu cho thuê cột điện treo cáp viễn thông và doanh thu này còn thấp hơn doanh thu của Viettel tại các tỉnh nghèo như Hà Giang, Quảng Trị.

Doanh thu viễn thông công cộng của EVNTelecom trên địa bàn 13 tỉnh do Tổng công ty CPC quản lý sau khi trừ tiền kết nối chỉ còn 120 tỷ/năm. Tuy nhiên chỉ tính riêng tài sản viễn thông do EVNTelecom và Điện lực đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa thiên Huế còn hơn tài sản Viettel đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Tổng Công ty CPC riêng đầu tư xây mới hạ tầng viễn thông của gần 800 trạm 3G đã mất hết 500 tỷ. Đơn giản chỉ tính lãi suất 18%/năm thì tiền lãi hàng năm đã là 90 tỷ. Tổng Công ty CPC xây dựng hoàn thành hạ tầng dự án 3G giai đoạn 2 vào 31/11/2010 nhưng sau gần một năm EVNTelecom vẫn không lắp đặt thiết bị và cũng không trả tiền thuê mặt bằng lắp đặt trạm 3G. Tiền cho thuê mặt bằng lắp đặt trạm 3G đã mất 40 tỷ/năm.

Năm 2010 để bù lỗ cho EVNTelecom, Tổng Công ty CPC phải yêu cầu các PC cộng doanh thu cho thuê cột điện treo cáp viễn thông vào doanh thu viễn thông, nếu vẫn tính như năm 2010 Điện lực chỉ được hưởng 30% doanh thu viễn thông thì năm 2011 hoa hồng Tổng Công ty CPC được hưởng tính cả doanh thu cho thuê cột điện treo cáp viễn thông chỉ là 90 tỷ và số tiền này chỉ đủ trả lãi ngân hàng cho số tiền vay đầu tư hạ tầng 3G.

Lãnh đạo Tổng Công ty CPC yêu cầu truy tố trách nhiệm lãnh đạo Tập đoàn EVN. Lãnh đạo EVN thừa biết kinh doanh CDMA đang thua lỗ và EVNTelecom có khả năng phá sản, bên cạnh đó dự án 3G giai đoạn 1 đã đầu tư 2.500 trạm 3G chỉ tính riêng số tiền EVNTelecom đầu tư cho thiết bị đã hơn 3.000 tỷ nhưng không biết kinh doanh như thế nào.

Tổng giám đốc Tổng công ty CPC rất bức xúc bị ép buộc phải đầu tư viễn thông, kinh doanh viễn thông còn thua lỗ hơn nhiều so với kinh doanh điện nông thôn. Dự án cải tạo lưới điện nông thông miền Trung vay vốn ngân hàng tái thiết Đức quyết toán với số tiền 780 tỷ. Thế nhưng dự án này đã giảm tổn thất điện năng của toàn Tổng công ty CPC xuống 0,5% đã làm lợi số tiền 80 tỷ/năm, đồng thời dự án đã làm giảm vật tư, nhân công sửa chữa lưới điện hàng năm đã làm lợi 40 tỷ/năm.

Đầu tư kinh doanh điện nông thôn chỉ với số tiền 780 tỷ mỗi năm đã làm lợi 120 tỷ bằng doanh thu viễn thông công cộng trên địa bàn 13 tỉnh do Tổng công ty CPC quản lý.

Dự án 3G giai đoạn 2 tất cả các PC trực thuộc CPC đã hoàn thành trước 30/11/2010, thế nhưng sau gần một năm nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng vẫn không có tiền thanh toán cho nhà thầu. Lãnh đạo Tổng công ty CPC vẫn biết nhà thầu tham gia các gói thầu phải vay ngân hàng lãi suất 22%/năm, nếu đáo hạn sẽ bị phạt lãi suất 45%/năm có thể đẩy nhà thầu vào con đường phá sản.

Tuy nhiên các ngân hàng không cho Tổng công ty CPC vay vốn cho dự án viễn thông và nếu ngân hàng có cho vay với lãi suất 22%/năm thì Tổng công ty CPC không thể kham nổi. Bên cạnh đó tiền cho thuê mặt bằng lắp đặt trạm cũng đang là gánh nặng của Tổng công ty CPC và để có tiền trả tiền thuê mặt bằng Tổng công ty CPC yêu cầu các PC đẩy mạnh cho thuê hạ tầng cột anten, nhà trạm, nếu sau một thời gian không có nhà mạng nào thuê kể cả EVNTelecom thì đàm phán với hộ gia đình tháo dỡ cột anten, nhà trạm và đồng thời xem xét trách nhiệm cán bộ liên quan.

Năm 2010 doanh thu 3G chỉ đạt 5,6 tỷ, Tập đoàn EVN lại chuyển sang hướng kinh doanh khác là chiến lược internet cáp quang FTTH. EVNTelecom có các cổng kết nối Quốc tế với số tiền đầu tư hơn 1.000 tỷ, tuy nhiên mạng lõi trong nước chưa được nâng cấp, cổng kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến có chất lượng kém. Do vậy khách hàng chỉ sử dụng dịch vụ internet cáp quang FTTH của EVNTelecom trong một thời gian ngắn đã cắt dịch vụ. Tổng Công ty CPC riêng số tiền đầu tư switch quang, cáp quang FTTH, modem quang, converter khoảng vài chục tỷ và đang phải chôn vùi số tiền này.


Xem bài viết: Tái cấu trúc EVN Telecom: Không nên chậm trễ (http://vietstock.vn/ChannelID/768/Tin-tuc/206713-default.aspx)