PDA

View Full Version : Công ty chứng khoán: Lỗ không chỉ vì niềm tin



tintucsukien
16-11-2011, 03:34 PM
Công ty chứng khoán: Lỗ không chỉ vì niềm tin
Hơn 80% công ty chứng khoán báo lỗ sau 9 tháng kinh doanh. Cái lỗ này không chỉ do thị trường ảm đạm khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Mảng môi giới và tự doanh một thời là bầu sữa của các công ty chứng khoán giờ khô kiệt theo sự tụt dốc của thị trường. Chuyện lỗ của nhiều công ty chứng khoán có lẽ là hiển nhiên, chỉ có việc số ít công ty vẫn có lãi là đáng nói.
http://vietstock.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=49758Các công ty chứng khoán cũng sẽ phải nhìn nhận sâu sắc về sự dài hạn trong chiến lược, hơn là chỉ nương theo sự lên, xuống của thị trường.
Gục ở môi giới và tự doanh
Trên thực tế, tính đến quý III/2011, 80 trong tổng số 100 công ty chứng khoán (cả niêm yết lẫn chưa niêm yết) báo cáo lợi nhuận sau thuế lỗ, trong đó có cả những công ty thuộc hàng “số má”. Chứng khoán Sacombank (SBS) lỗ gần 258 tỉ đồng, VnDirect lỗ gần 130 tỉ đồng, SSI lỗ 17,4 tỉ đồng… Giới truyền thông và phân tích chứng khoán cùng đưa ra những lý giải chung cho điều này, đó là vì nhà đầu tư cả ngắn và dài hạn đang mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, cộng với sự ra đi của các nhân sự giỏi trong ngành để tìm kiếm công việc tốt hơn. Tuy nhiên, đây không hẳn chỉ là câu chuyện niềm tin và con người.
Nguyên nhân gây lỗ chủ yếu ở mảng môi giới chứng khoán, sau đó là tự doanh. Ở mảng môi giới, nhiều công ty đã cho vay ký quỹ và phải trích lập dự phòng nợ xấu của các khoản vay mua/cầm cố chứng khoán lớn đối với khách hàng. Nặng nhất là Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHS), lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 382 tỉ đồng, khoản dự phòng nợ phải thu ngắn hạn khó đòi lên đến gần 125 tỉ đồng.
Môi giới chứng khoán, một thời là “gà đẻ trứng vàng” của các công ty chứng khoán, giờ trở nên ngắc ngứ khi chỉ còn khoảng 30% trên 1 triệu tài khoản giao dịch hoạt động. Một câu chuyện thê lương điển hình trong quá trình thực hiện bài viết là Công ty Chứng khoán SME đã không thể thanh toán nổi các khoản phải trả cho lệnh mua đến hạn thanh toán, khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của SME cũng âm 35 tỉ đồng.
Ở mảng tự doanh, rất nhiều công ty chứng khoán cũng đã “ngậm” một khối lượng cổ phiếu không nhỏ, trong lúc giá cổ phiếu cứ kéo đuôi nhau đi xuống, phải trích lập dự phòng lớn, đến nỗi có tìm được thứ gì đó để kinh doanh cũng không thể bù đắp nổi. Điển hình như SBS lỗ nặng từ tự doanh, dẫn đến mức lỗ lũy kế 258 tỉ đồng nói trên, dù đã kiếm được không ít tiền từ tư vấn phát hành chứng chỉ lưu ký toàn cầu cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với giá trị thương vụ 60 triệu USD.
Câu chuyện của SBS, SME hay SHS không phải là thiểu số. Ở những thị trường chứng khoán “sơ sinh” như Việt Nam, mảng môi giới được xem là dễ ăn trong những năm đầu phát triển, nên chuyện công ty chứng khoán ra đời như nấm mọc sau mưa để rồi sau đó cùng nhau mắc kẹt khi kinh tế khó khăn từ giai đoạn năm 2009 có lẽ cũng là quy luật tất yếu. Ngay cả công ty có lãi cao nhất trong 3 quý vừa qua là Công ty Chứng khoán TP.HCM - HSC (146 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế) cũng đối mặt với việc doanh thu từ hoạt động môi giới và tự doanh giảm 50%. Nguồn thu và lãi của công ty này chủ yếu đến từ hoạt động tư vấn. Công ty thứ hai có lãi là Chứng khoán Kim Long (KLS) thì nguồn lợi nhuận 139,4 tỉ đồng cũng không đến từ môi giới (doanh thu từ mảng này giảm 80% so với trước đó) mà đến từ lãi suất ngân hàng, do công ty này có 2.000 tỉ đồng tiền mặt gửi ngân hàng.
Nhưng những phân tích trên không nhằm bài xích chiến lược môi giới được phần lớn các công ty chứng khoán Việt Nam triển khai từ nhiều năm qua. Có thể đưa ra so sánh với những thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu, môi giới chứng khoán không hẳn là lĩnh vực trọng tâm, mang về doanh số lớn nhất. Chẳng hạn, trong năm 2010, Goldman Sachs, một định chế tài chính hàng đầu của Mỹ, có 12% doanh thu đến từ dịch vụ tư vấn (một nghiệp vụ của “ngân hàng đầu tư”), 13% từ dịch vụ quản lý tài sản, 19% từ hoạt động đầu tư vốn và hơn 50% từ hoạt động môi giới. Tuy nhiên, môi giới không chỉ có chứng khoán mà còn nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, trái phiếu, hàng hóa, vàng, ngoại hối…
Với những thị trường đang nổi như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ thì mảng tư vấn và quản lý tài sản bắt đầu phát triển. Trong khi đó, thị trường “sơ sinh” với đội ngũ nhân lực tài chính chất lượng cao còn khan hiếm như Việt Nam thì trong 4 mảng kinh doanh chứng khoán, chỉ có môi giới và tự doanh đóng vai trò chủ đạo và dễ mang lại nguồn thu nhất. Hai mảng kinh doanh này mang lại phần lớn lợi nhuận cho các công ty chứng khoán từ khi thành lập cho đến năm 2007, đến nỗi “cứ mở công ty chứng khoán là có lời”. Nhưng từ năm 2008 đến nay, số lượng các công ty chứng khoán ngày càng tăng và nhiều vấn đề nan giải về năng lực điều hành chiến lược này cũng đã được đặt ra.
“Phao” tư vấn
Trong khi hơn 80% công ty chứng khoán lỗ nặng thì 5 công ty có lợi nhuận sau thuế cao trong 9 tháng qua hiển nhiên trở thành tâm điểm chú ý. Đó là HSC lãi 146 tỉ đồng, KLS lãi 139 tỉ đồng, Chứng khoán FPT (FPTS) lãi 111 tỉ đồng, Chứng khoán Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (AGR) lãi 92 tỉ đồng, Chứng khoán Thiên Việt (TVS) lãi 55 tỉ đồng. Xét tỉ lệ lợi nhuận/vốn (ROE) bình quân 2 quý II và III thì TVS 12%, FPTS 11% và HSC 9%.
Chiến lược vượt bão của 5 công ty này có thể thấy rõ nét. Một là “kinh doanh tiền tệ an toàn” như KLS, AGR. Lợi nhuận của các công ty này qua 3 quý chủ yếu đến từ việc bỏ tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất; chỉ một phần nhỏ đến từ môi giới. Trong khi đó, chiến lược cao cấp hơn đối với thị trường Việt Nam là hoạt động tư vấn cũng đã giúp HSC, TVS, FPTS về đích.
HSC thắng lớn trong việc tư vấn vụ chuyển nhượng 92% vốn của công ty giải trí EMP cho Tập đoàn CJ-CGV (Hàn Quốc). Thương vụ này đã mang về cho HSC hơn 20 tỉ đồng, chiếm 17% doanh thu của công ty này trong quý III/2011. Còn TVS thành công trong cả 2 thương vụ: Goldman Sachs mua 40 triệu USD trái phiếu chuyển đổi của Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII); Unicharm (Nhật) mua Công ty Cổ phần Diana với giá trên 100 triệu USD. Doanh thu tư vấn từ 2 thương vụ này sẽ chiếm khoảng 20% doanh thu của TVS trong năm 2011. Được biết, TVS cũng đang xúc tiến tư vấn một vài thương vụ. Tuy nhiên, không thể ghi nhận rõ ràng doanh thu tư vấn ở bất kỳ thương vụ nào của FPTS (dù trong báo cáo tài chính, doanh thu từ tư vấn là 46 tỉ đồng, chiếm khoảng 54% doanh thu của FPTS).
Như đã phân tích, mảng tư vấn trong mô hình ngân hàng đầu tư không dễ dàng đối với một thị trường còn nhiều hạn chế về trình độ và kinh nghiệm như ở Việt Nam. Giám đốc dự án HSC trong thương vụ EMP và CJ-CGV khẳng định, người tư vấn thương vụ này đã phải giải quyết những vấn đề khó nhất là dung hòa quyết định các bên, tỉ lệ thoái vốn cũng như giá mua, bán. Đại diện TVS trong thương vụ CII thì cho biết, Goldman Sachs đã “lục tung” doanh nghiệp để khảo sát và việc thương lượng với họ giống như chơi những “ván cờ trí tuệ”.
SSI, một trong những công ty chứng khoán gạo cội, cũng đặt tham vọng trở thành ngân hàng đầu tư hàng đầu Việt Nam, nhưng lúc này câu chuyện vẫn chỉ tạm dừng ở mức tham vọng. Ngay cả HSC, TVS cũng chỉ mới bắt đầu có chút ít “trái ngọt” sau nhiều năm kiên trì với mô hình này.
Năm 2007, thị trường đạt đỉnh, các công ty chứng khoán xâu xé chiếc bánh môi giới dù lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn và biên lợi nhuận không quá cao (dưới 20%), trong khi mảng ngân hàng đầu tư với biên lợi nhuận có thể lên trên 40% vẫn chưa được chú ý bởi độ khó của nghiệp vụ và chất lượng nhân lực.
Dù vậy, trong khi rất nhiều công ty theo hiệu ứng “bầy đàn” kiếm lãi khủng từ dịch vụ môi giới (bao gồm cho vay mua chứng khoán) thì số ít đã chọn hướng đi khác biệt, đơn cử như TVS. Công ty này đã phải chấp nhận chịu mức ROE chỉ khoảng 2-3% trong nhiều năm và kiên trì đi theo một chiến lược dài hạn không hề dễ dàng.
Câu chuyện tương lai của các công ty chứng khoán là gì? Những chiến lược mới đã được đưa ra, hoặc bỏ hẳn mảng tự doanh (như tuyên bố của công ty SBS), hoặc thu hẹp quy mô, tính đường sáp nhập, hoặc phát triển thêm các mảng dịch vụ cao cấp như tư vấn, quản lý tài sản… Nhưng dù thế nào đi nữa, các công ty chứng khoán cũng sẽ phải nhìn nhận sâu sắc về sự dài hạn trong chiến lược và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ, hơn là chỉ nương theo sự lên, xuống của thị trường.
Trần Trọng Tú
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Công ty chứng khoán: Lỗ không chỉ vì niềm tin (http://vietstock.vn/ChannelID/830/Tin-tuc/207010-default.aspx)

tintucsukien
16-11-2011, 03:34 PM
Nhiều CTCK giờ như chết lâm sàng, chí có mấy CTCK : HSC, SSI, FPTS, CTS, Nông nghiệp, là còn đất sống . Các CTCK to vật vã : BVS, SBS, VNĐ, BSC lỗ chỏng vó , xét về mô hình phát triển bền vững thì có : HSC, SSI, FPTS là triển vọng và phát triển nhất . Các CTCK khác khôn thì nên thoái trào sớm, hơn là để thị trường thanh lọc. Để mà đầu tư xứng đáng thì chỉ có HCM & SSI là đáng để tiền vào.


Xem bài viết: Công ty chứng khoán: Lỗ không chỉ vì niềm tin (http://vietstock.vn/ChannelID/830/Tin-tuc/207010-default.aspx)

princess regent
17-11-2011, 08:15 AM
Việc tái cấu trúc các công ty chứng khoán sẽ dẫn đến các công ty có tiềm lực tài chính yếu bị sát nhập hoặc giải thể, các công ty chứng khoán còn lại (các công ty nào thì chắc chúng ta cũng biết) sẽ hưởng lợi từ việc miếng bánh "chứng khoán" sẽ ít người tranh giành hơn. Như vậy, ngoài các điều lợi mà UBCK NN muốn đem lại cho thị trường và các nhà đầu tư thì vẫn có các lợi ích khác mà sau khi tái cấu trúc các con "cá mập" còn lại sẽ được hưởng lợi.:biggrin: