PDA

View Full Version : Nợ xấu ngân hàng và 1 số giải pháp



1000percent
03-10-2011, 10:38 PM
----------------------------------
Blogger: Bùi Quỳnh Vân
Thời gian đăng: 03/10/2011
Blog: http://pgbankresearch.wordpress.com/
----------------------------------

Tình hình thua lỗ và nợ xấu của doanh nghiệp gần đây đang gia tăng

Tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ diễn ra khá phổ biến. Cụ thể, tại khối các DNNN, EVN dự kiến 8 tháng đầu năm lỗ khoảng 11.700 tỷ đồng, Petrolimex 1.200 tỷ đồng, Vinashin dự kiến hơn 3.000 tỷ đồng và Vinalines lỗ khoảng 613 tỷ đồng. Ngoài ra, với việc thắt chặt tiền tệ, tài khóa từ đầu năm, lãi suất ngân hàng được đẩy lên mức khá cao khiến các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung là thiếu vốn, kinh doanh thua lỗ, buộc phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc giải thể, phá sản. Theo thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản 9 tháng đầu năm lên tới 5,8 nghìn doanh nghiệp.
<code></code>
Kinh doanh thua lỗ khiến nhiều khoản nợ của doanh nghiệp biến thành nợ xấu. Bộ Tài chính mới đây đã nhận được đề nghị từ Bộ Xây dựng hỗ trợ Công ty xi măng Đồng Bành thuộc Tập đoàn Sông Đà khoản nợ gốc và lãi 141 tỷ đồng với nước ngoài. Bộ Công thương cũng liên tục nhắc nhở EVN thu xếp trả khoản nợ khoảng 10.000 tỷ đồng tiền mua điện từ các đơn vị thành viên của TKV và Petro Việt Nam. Ngoài ra, Vinashin là một trong những điển hình về nợ xấu trong nhóm doanh nghiệp Nhà nước với khoản nợ sau khi được kiểm toán bởi KPMG vào giữa năm 2010 lên tới khoảng 86.000 nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2010, Thống đốc NHNN khi đó là ông Nguyễn Văn Giàu cho biết, dư nợ của Vinashin với toàn bộ hệ thống ngân hàng ước khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó có 16.000 tỷ đồng sẽ được cơ cấu lại. Thống đốc cũng cho biết tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong năm 2010 là 2,5% và nếu tính thêm nợ của Vinashin sẽ tăng thêm 0,7%, đưa tỷ lệ nợ xấu chung của toàn hệ thống lên tới 3,2%.


Bên cạnh khối doanh nghiệp Nhà nước, thời gian gần đây cũng nổi lên thông tin về nợ xấu của một số doanh nghiệp như Trường Phong (http://biz..vn/20110823120944570CA48/dai-gia-vo-no-chan-dong-thai-binh-va-qua-khu-bat-hao.chn) (nợ NH Đông Á 99 tỷ đồng), An Khang (http://.vn/2011081608125739CA36/xung-quanh-viec-cong-ty-tnhh-an-khang-vo-no-hon-300-ty-dong.chn) (nợ 5 ngân hàng 500 tỷ đồng, trong đó riêng khoản nợ với Vietinbank là 146 tỷ đồng),… Cùng với số lượng lớn các doanh nghiệp giải thể trong năm nay do làm ăn thua lỗ, những khoản nợ xấu đối với ngân hàng cũng tăng lên tương ứng.


Tại khối FDI,theo thông kê của cơ quan chức năng hiện có 22 dự án của doanh nghiệp FDI không có khả năng trả nợ ngân hàng với tổng nợ khoảng 80 triệu (http://ndhmoney.vn/web/guest/s03/-/journal_content/no-xau-cua-doanh-nghiep-fdi-len-toi-80-trieu-usd) USD ( tương đương 1.600 tỷ đồng). Những khoản nợ này hầu hết đều không có khả năng thu hồi do chủ đầu tư bỏ trốn, trong đó riêng với Kenmark, BIDV, SHB và Habubank cho vay tới 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỷ đồng). Đặc biệt, có những chủ đầu tư chỉ xin giấy chứng nhận đầu tư để vay vốn sau đó rút về nước, nhằm chiếm dụng vốn ngân hàng. Theo đó, những khoản nợ này đều trở thành nợ xấu, đè nặng lên hệ thống ngân hàng.


Nợ xấu ngân hàng cũng đáng báo động

Báo cáo của **** ủy Khối doanh nghiệp Trung ương ngày 08/09 vừa qua cho thấy nợ khó đòi, nợ nguy cơ cao và nợ không có khả năng thu hồi đang gia tăng đặc biệt trong nhóm các ngân hàng Quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 3,47%, Agribank 6,67%. Đặc biệt, có thông tin cho rằng nợ xấu của Agribank cho Vinashin khoảng 17.000 tỷ đồng, nợ xấu tại 2 công ty cho thuê tài chính của Agribank tương ứng khoảng 5-7 nghìn tỷ và 3-5 nghìn tỷ, điều này đồng nghĩa với việc nợ xấu của ngân hàng này đã lớn hơn cả vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch ủy ban giám sát tài chính quốc gia cũng cho biết, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến tháng 6/2011 khoảng 75.000 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ 2010, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 47% tổng nợ xấu và chủ yếu là nợ trong lĩnh vực bất động sản.


Những ảnh hưởng của nợ xấu gia tăng tới hệ thống ngân hàng

Nguy cơ nợ xấu là vấn đề đã khá rõ ràng khi từ nay đến cuối năm, những nỗ lực trả lãi vay sẽ tiếp tục bao mòn khả năng tài chính của doanh nghiệp, nhiều khoản nợ sẽ tiếp tục được xếp vào loại nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng.
+ Gia tăng dự phòng rủi ro: Việc gia tăng nợ xấu sẽ kéo theo việc ngân hàng phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ này. Đặc biệt, khi có thêm nhiều thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chuyển biến tiêu cực, những khoản nợ mới đến hạn nhưng doanh nghiệp không có khả năng trả nợ khiến nợ xấu gia tăng và có xu hướng phải di chuyển lên các nhóm nợ cao hơn, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn.


+ Giảm tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu: Rủi ro nợ xấu liên quan trực tiếp tới chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng. Thực tế, khi lập kế hoạch lợi nhuận năm 2011, do đánh giá được tình hình kinh tế vĩ mô sẽ không khả quan nên các ngân hàng không đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận quá cao so với năm 2010. Tuy nhiên, với tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, việc trích lập dự phòng khiến lợi nhuận của ngân hàng bị suy giảm. Bên cạnh đó, không phải ngân hàng nào cũng công bố con số nợ xấu thực tế của đơn vị mình, nợ xấu tiềm ẩn của ngân hàng Việt Nam được đánh giá là khá lớn so với con số công bố. Theo đó, số liệu tuyệt đối về lợi nhuận có thể tăng nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu tại 1 số ngân hàng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.


+Rủi ro thanh khoản, kỳ hạn, rủi ro đổ vỡ hệ thống gia tăng: Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thêm thông tin cụ thể về việc nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang ở mức nào. Tuy nhiên, tôi cho rằng xu hướng gia tăng nợ xấu cũng như tỷ lệ nợ xấu thực tế lớn hơn đáng kể so với những con số công bố là điều có thực. Theo đó, nợ xấu sẽ kéo theo rủi ro vỡ thanh khoản, vỡ cơ cấu kỳ hạn của ngân hàng trong trường hợp không thu hồi được nợ. Ngoài ra, những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và danh tiếng, đồng thời, khi những ngân hàng này gặp khó khăn nhất định thì khả năng xảy ra đổ vỡ cũng cao hơn những ngân hàng khác. Do những mối liên hệ trên thị trường tài chính nói chung và thị trường vay mượn tiền giữa các ngân hàng nói riêng, khi bất kỳ một ngân hàng nào gặp những rủi ro trên cũng đều có thể ảnh hưởng tới cả hệ thống.


Những giải pháp trong quá khứ

Trước đây, các ngân hàng đã sử dụng khá nhiều biện pháp truyền thống để xử lý nợ xấu như cho vay đảo nợ, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm nợ, bán nợ cho các công ty chuyên mua bán nợ, hoặc xóa nợ với những khoản nợ không thể thu hồi.
Những năm gần đây, các AMC liên tiếp ra đời cũng để nhằm mục đích giúp ngân hàng có một bộ phận riêng chuyên xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các AMC không giống nhau giữa các ngân hàng.


Một số giải pháp cho hiện tại

+ Siết chặt thẩm định, lựa chọn khách hàng vay vốn: Một giải pháp để giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu là siết chặt việc thẩm định, lựa chọn khách hàng vay vốn mới, tăng cường giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu và sản xuất – kinh doanh. Một mặt, các khách hàng trong lĩnh vực này sẽ không chấp nhận mức lãi suất cho vay quá cao, song giải ngân vào lĩnh vực này được cho là ít rủi ro, ít nợ xấu hơn so với các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán,… Mặt khác, room tín dụng của cả hệ thống hiện vẫn còn khá lớn, theo đó, ngân hàng cần nỗ lực hơn nữa trong việc giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay về mức chấp nhận được của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường tái cơ cấu tín dụng giải ngân vào các lĩnh vực an toàn hơn để giảm thiểu tỷ lệ nợ xấu. Theo tôi, đây là một trong những biện pháp hạ tỷ lệ nợ xấu khá bền vững.


+ Tuân thủ quy định, điều kiện cho vay với DNNN: Riêng đối với nhóm nợ xấu đến từ các DNNN, tôi cho rằng một phần do cơ chế nên hầu hết các DNNN đều khá dễ dàng khi vay vốn tại các ngân hàng Quốc doanh. Lỏng lẻo trong thẩm định điều kiện vay vốn, phương án vay vốn chính là nguyên nhân khiến nợ xấu khi cho vay DNNN chiếm tỷ lệ không nhỏ trong nợ xấu của các ngân hàng này. Giải pháp bền vững là phải thay đổi cơ chế cho vay, DNNN cũng như ngân hàng đều cần phải tuân thủ quy định, quy trình thẩm định và hạn mức vay vốn như khi cho vay các khách hàng khác.


+ Đảo nợ, giãn/hoãn/giảm nợ: Các biện pháp truyền thống như cho vay đảo nợ, giãn/hoãn/giảm nợ cũng mang lại tác dụng trong việc giúp ngân hàng nhanh chóng hạ tỷ lệ nợ xấu xuống mức thấp hơn. Tôi cho rằng, với việc các ngân hàng liên tiếp đưa ra các cam kết về gói lãi suất thấp trong thời gian gần đây, làn sóng đảo nợ sẽ diễn ra khá sôi động. Mặc dù không phải là biện pháp hạ tỷ lệ nợ xấu bền vững, nhưng việc đảo nợ sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị nguồn tài chính trả nợ đồng thời ngân hàng cũng có cơ hội hạn chế đáng kể việc gia tăng tỷ lệ nợ xấu.