PDA

View Full Version : Làm sao tăng thanh khoản?



1000percent
17-08-2011, 08:33 AM
-------------------------------
Blogger: Hoàng Thạch Lân
Thời gian đăng: 15/08/2011
Blog: http://hoangthachlan.wordpress.com/

-------------------------------


Mấy bữa rồi ĐTCK có nêu 1 câu nói hay: “Giá cổ phiếu giảm chưa phải là điều đáng lo ngại nhất, mất thanh khoản mới là câu chuyện nghiêm trọng nhất tại TTCK Việt Nam (http://******************.vn/RC/N/CGFIEC/ttck-va-noi-lo-thanh-khoan.html)“, câu này được cho là khởi đầu từ buổi giao lưu của bác Chủ tịch SSI, cũng như được tiếp sức bởi bác Chủ phó của HOSE. Tui cũng rất ủng hộ các bác ấy, nên muốn nói leo vài ý kiến làm sao tăng thanh khoản.


Thanh khoản hiểu nôm na là khả năng bán hàng để thu tiền một cách nhanh nhất. Ví dụ như tui đặt bán SSI trong giờ khớp lệnh liên tục, thì đối với tui thanh khoản nghĩa là vừa nhấn nút bán xong vài giây thì cái di động nó rung bần bật vì nhận SMS báo cáo đã bán hết số SSI đó. Tất nhiên là tui đang ví dụ ở góc độ dân thường, còn nói đúng chuẩn ở chứng trường thì phải nói cụ thể là khả năng bán hàng nhanh nhất mà không cần phải đạp giá xuống. Ví dụ tui bán SSI ở mức giá 16,6 (giá tham chiếu ngày 12/8) thì có thể gọi là thanh khoản, chứ nếu tui bán giá sàn (15,8) mới khớp được thì lại không gọi là thanh khoản nữa.
Thanh khoản là 1 chỉ tiêu định lượng, nhưng hiện chưa có số liệu chính thức nào về nó trừ cái số lượng và giá trị khớp lệnh hàng ngày (con số về giá trị được dùng để so sánh thanh khoản ở xứ mình với các chứng trường xứ bạn). Để xem xét thanh khoản, chúng ta cần phải tính cả cái tỷ lệ giao dịch so với khối lượng (giá trị) đang lưu hành cùng kỳ (hàng tháng chẳng hạn) và định ra 1 mức sàn (trên đó là thanh khoản, nhỏ hơn là kém thanh khoản). Và chứng trường nếu muốn coi là thanh khoản, thì đa số ck của nó cũng phải nằm trên cái tỷ lệ giao dịch/đang lưu hành tối thiểu đó.


Nói lý thuyết vậy thôi chứ có lẽ không cần phải tính chi tiết cho ra số liệu thì mọi người mới tin là chứng trường nhà mình kém thanh khoản đến mức nào. Với quy mô gần 700 mã trên 2 sàn NY (Úp cơm thì tạm coi “đồ bỏ”) thì mức độ GD cỡ vài trăm tỷ đồng mỗi ngày, lại phân bố không đều giữa các mã ck thì tất nhiên ai cũng cảm nhận là rất nhiều mã kém thanh khoản. Theo như cty tui tính cái số ck được phép cầm cố chẳng hạn, với quy định khớp lệnh bình quân mỗi phiên trên 80.000 cổ trong vòng 1 tháng gần nhất, thì cũng chỉ đong được loanh quanh 1/10 số NY trên. Đặc biệt, rất nhiều mã cp đại gia nhưng lượng GD ít, điều này rất “phi” thường vì cty đã có quy mô càng lớn, tính đại chúng càng cao thì lượng GD đúng ra cũng phải lớn cho nó xứng tầm đẳng cấp. Đại gia mà GD nhỏ giọt, chả nhẽ cty nào cũng giống VNM (nhà nước và mấy quỹ nắm gần hết cp)?


Đã gọi thanh khoản là vấn đề thì phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Cứ theo bài viết của ĐTCK và cả những bài viết khác của báo giới thì nguyên nhân chủ yếu đến từ niềm tin vào chứng trường của NĐT, khó khăn của nền ktế cũng như chất lượng cty NY (quản trị, tài chính, nhân sự…). Những cái đó tui thấy chả sai, nhưng hình như chưa phải là nguyên nhân chính. Ktế đã xấu thì ai chả mất niềm tin, index nào chả suy giảm, lượng GD hẳn nhiên phải mất đi, chất lượng cty NY hẳn nhiên cũng phải giảm xuống… nhưng cứ nhìn thế giới xem, có thể chỉ số index của sàn Mỹ mất cả chục phần trăm, có thể sàn GD xứ Hàn tạm đóng cửa vài ba ngày, có thể cty đại gia thế giới nào đó bên EU đi đứt, có thể chấm chấm chấm nhưng tui dám chắc là sàn họ nói chung chả bao giờ mất thanh khoản. Cho dù xứ mình bé nhỏ hơn, không đáng so sánh với mấy đại gia kia, giá rổ lại rớt lâu và sâu, quỹ ngoại được phép vào đầu tư ở sàn nhà, kể các quỹ đầu tư mạo hiểm chuyên đi săn mồi ở các thị trường con gấu (nhưng sao họ vẫn chưa vào nước ta)…, do đó tui vẫn nghĩ nguyên nhân chính của tình trạng mất thanh khoản nằm ở chỗ khác.


Theo ý kiến tui, thanh khoản chứng trường bên mình trồi sụt thất thường vì 1 nguyên nhân vốn tồn tại suốt 10 năm nay, đó là quan điểm sai lệch về đầu cơ. Đầu cơ có 2 loại chính, 1 dạng là chuyên dự báo biến động giá và lướt sóng theo những dự báo đó, dạng 2 là kiểm soát nguồn cung, cũng tức là kiểm soát biến động giá. Dạng lướt sóng đầu tiên, tui nghĩ chả có gì sai, thậm chí nên khuyến khích (xin không giải thích tại sao phải khuyến khích ở blog này). Có cấm thì chỉ cấm dạng thứ hai, đó là thao túng giá và lũng đoạn thị trường. Luật đúng là có cấm lũng đoạn thị trường, cấm thao túng giá, nhưng thay vì nuôi dưỡng và phát triển lực lượng NĐT thuộc dạng thứ nhất, những cái được gọi là cơ chế đang dường như lại… cấm tiệt.


Ví dụ: cơ chế giao dịch chỉ muốn “tạo cơ hội” cho NĐT đánh lên, chứ không “thích” họ đánh xuống. Cái quy trình thanh toán bù trừ T+3 không có gì sai (đối với dân trong ngành) nhưng chính vì không có giải pháp đi kèm, nên khiến NĐT đâm ra bị mắc kẹt trong 3 ngày mua bán ấy. Cái biên độ giá nghe hơi ngược (5% cho sàn xịn, 7% cho sàn thường và 10% cho sàn lởm) “khiến” NĐT phải liều mạng, chơi hàng xấu nếu muốn thu lợi nhiều hơn. Rồi mức phí GD, thuế TNCN tạm tính ngay khi khớp lệnh… (được mỗi cái may là mới mở lại cho GD cùng phiên).
Ví dụ: cơ chế “phái sinh”, tức là việc cung cấp các sản phẩm phái sinh cho thị trường. Những thứ mà ở nước ngoài gọi là quyền chọn, HĐ tương lai, GD chỉ số… không chỉ có tác dụng phân tán rủi ro mà còn là những công cụ giúp dân lướt sóng kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, từ bữa VND bị phạt đến giờ, có thể nói rằng chả mấy cty CK nào dám cung cấp những thứ phai phái này, còn việc trông chờ các bác quản lý cho ra được những thứ này thì chắc phải tính bằng số năm (kể từ ngày HOSE giới thiệu việc nghiên cứu về loại này). Có cậu bạn từng hỏi tui rằng sao không để cty CK họ nghiên cứu giùm cho, sẽ rất nhanh? Chịu.


Ví dụ: cơ chế tín dụng. Muốn duy trì thanh khoản, 1 là mở thật rộng cửa đón thật nhiều NĐT giá trị (mua xong ngâm hàng đó, nhưng bù lại là mua nhiều nên thị trường cũng luôn có GD), 2 là chấp nhận duy trì mức tín dụng cho dân lướt sóng, bởi vì bản chất của dân lướt là tìm cơ hội ngắn hạn, nên chấp nhận rủi ro và có xu hướng xài đòn bẩy. Chứng trường nhà mình chắc chưa theo được hướng thứ 1 rồi, ngoài ra với quy mô NY ngày càng tăng, không duy trì tín dụng thì sàn chứng không thể nào duy trì được sức giao dịch ở tất cả các mã. Nhìn qua sàn vàng trước đây thì bạn cứ hỏi các bác nào bên Á Châu, bên VGB… xem NĐT vàng thời đó ký quỹ bình quân bao nhiêu % cho mỗi lệnh mua? Tui cá là dưới 10%. Ở sàn chứng mình trước đây chính vì không có ngân hàng nào dám cho cầm cố với tỷ lệ >100%, nên cty CK mới làm margin với tỷ lệ cho vay rất lớn. Tất nhiên chuyện margin cũng tạo ra rủi ro hệ thống, nhưng cái chính là vì ngay từ đầu chả ai thống kê giùm cái rủi ro hệ thống ấy nó to nhỏ như thế nào, nên để đến bây giờ khi nó to quá rồi thì đem ra siết. Ngoài ra, trước đây quy mô tín dụng vào chứng khoán được tính theo 1 tỷ lệ nào đó so với quy mô của ngân hàng chứ không theo quy mô của chính cái chứng trường, tức là theo cung mà không theo cầu, nên cứ khi ktế có chuyện là chứng trường lại bị cắt tín dụng, phải chăng chỉ có lợi cho mấy bác ngân hàng?


Ví dụ: cơ chế công bố thông tin và giám sát GD. Muốn hướng dân lướt sóng “chơi” công bằng, sòng phẳng, phải có lịch sự kiện, phải giảm thiểu tin đồn để chặn rủi ro đội lái, lừa lọc, thao túng. Tuy nhiên, đến nay NĐT đa phần chỉ biết thông tin sau khi giá rổ “bỗng dưng tím ngắt” hay “đỏ lòe”, nói cách khác là phải “có dây” mới biết trước sao nó tím vậy. Như vậy làm sao những NĐT bình thường, chỉ ngồi phân tích biểu đồ mà có thể lướt sóng được? Ngoài ra, việc xử lý đội lái, xử lý thao túng giá vẫn chỉ ở mức phạt tiền hành chính, và với những mức phạt tầm 1 vài trăm triệu đồng thì làm sao răn đe để đem lại cuộc đấu trí công bằng?
Như vậy, cho đến lúc này để giúp phục hồi được tính thanh khoản một cách chủ động, chứ không chờ ktế tốt hơn để rồi chứng trường cũng sẽ tự dưng “tốt từng xăng ti mét”, ngoài nhữg đề xuất trên bài viết của báo ĐTCK như giảm phí GD (chưa biết có xin được không), tăng giờ GD (sắp làm), đơn giản hóa thủ tục cấp trading code cho NĐT nước ngoài (cũng chưa biết có xin được không)… thì tui nghĩ là nên nghiên cứu các khả năng tiếp tục duy trì tín dụng vào chứng trường, khả năng triển khai sản phẩm phái sinh, khả năng bán khống (chú ý rằng qua đợt biến động chứng trường mạnh vừa qua ở các nước bạn, họ chỉ cấm bán khống trong ngắn hạn, chứ không hủy bỏ việc bán khống), xem xét việc mở rộng biên độ giá sàn HOSE (nghe nói có vị nào đó lại đang đề nghị thu hẹp về +/-2%). Trong điều kiện hiện nay, việc tính toán rủi ro tín dụng, quy mô tín dụng sao cho phù hợp với quy mô chứng trường chứ không theo quy mô ngân hàng là điều có thể làm nghiên cứu định lượng nhanh nhất, từ đó các bác quản lý có thể ước lượng được rủi ro hệ thống. Đã cho cty CK chính thức làm margin, nên xem xét khả năng cung cấp tỷ lệ 5:5 thay vì 7:3 như dự thảo, khi lập danh mục mã ck được margin, nên bỏ bớt các tiêu chí về giá, tiêu chí tài chính… mà nên tập trung vào thanh khoản (lượng GD) (http://hoangthachlan.wordpress.com/2011/06/16/ngh%E1%BB%81-minh-ma-230-d%E1%BB%B1-th%E1%BA%A3o-gop-y-cho-gd-ky-qu%E1%BB%B9/). Cũng nên cho phép các cty CK tham gia, thậm chí chủ trì nghiên cứu việc triển khai sản phẩm phái sinh (cũng chỉ là học nước ngoài thôi mà). Ngoài ra, cũng nên hình sự hóa các iao dịch thao túng giá, lũng đoạn giá, nên tịch thu mọi khoản thao túng thì kẻ xấu mới sợ. Sau cùng, cũng nên hỏi các quỹ ĐTNN 1 tiếng: các anh ơi, sao chứng nhà em đẹp rẻ thế này rồi mà các anh vẫn chưa mua? (giải quyết được điều gì khiến khoai tây chưa nhảy vào chứng trường nhà mình, cũng sẽ góp phần làm tăng thanh khoản) Nhưng các anh đừng đòi mở room nữa à nha…


Tui nghĩ các biện pháp nếu có, nên triển khai đồng thời thì sẽ phát huy hiệu quả, cả kể tâm lý NĐT sẽ cải thiện tốt hơn trước khi ktế có biến chuyển tích cực.