PDA

View Full Version : Thép và chỉ có thép !!!



kiemkhach
14-07-2011, 09:57 PM
Trao đổi về thép nhá các bác.

Cheers,

:D:D:D

jimmy1982
15-07-2011, 01:58 PM
Bác cho em hỏi với muốn xem giá Thép và Biểu đồ giá thép thế giới thì xem ở đâu thế? Thanks bác

Vietnamese Dong
18-07-2011, 09:29 PM
Ngành thép bội thực nguồn cung - Gian nan xuất ngoại
Dù được cảnh báo từ trước nhưng đến nay, ngành thép vẫn đang rơi vào tình cảnh bi đát khi nguồn cung dư thừa quá lớn và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong khi đó, giải pháp hiệu quả để cứu nguy cho ngành thép là tìm hướng xuất khẩu cũng không dễ dàng.

“Cung” thừa, sản xuất ngưng trệ

Mùa cao điểm xây dựng đang cận kề, thế nhưng, thay vì đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị nguồn cung phục vụ thị trường, hầu hết các nhà máy sản xuất thép lại đang co cụm, giảm mạnh công suất. Nằm trong số doanh nghiệp (DN) sản xuất thép có uy tín với sức tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn mỗi tháng trên thị trường, song trong những tháng gần đây, Công ty cổ phần Thép Pomina đã phải lựa chọn giải pháp cắt giảm 50% công suất do sức tiêu thụ chậm.

Tương tự, một cán bộ Phòng Thị trường Tổng Công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) tại TPHCM cho biết, khoảng 2-3 tháng qua, mức tiêu thụ thép của DN giảm 50%, buộc đơn vị phải sắp xếp giảm sản lượng để tránh tồn kho, chôn vốn. Bên ngoài thị trường, hầu hết các DN, cửa hàng kinh doanh thép đều trong cảnh chợ chiều.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Công ty DV TM Hoàng Hùng, chuyên kinh doanh mặt hàng thép cho biết tại quận 12, từ đầu năm đến nay, nhu cầu xây dựng khu vực này giảm mạnh. Lượng thép bán ra của DN trong 3 tháng gần đây giảm trên 60%.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngoài các DN có thương hiệu uy tín, sản xuất với công suất lớn phải cắt giảm trên dưới 50% công suất, nhiều nhà máy thép nhỏ hiện chỉ vận hành cầm chừng ở mức 30%-40% công suất thiết kế, số khác phải ngừng hẳn. Trong khi đó, theo ước tính của VSA, tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng sản lượng thép xây dựng sản xuất của cả nước khoảng 2,21 triệu tấn, tăng 281.000 tấn, tương ứng 14%.

Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ ước đạt 2,14 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Chưa kể, mức tồn kho thành phẩm tháng 5 vào khoảng 320.000 tấn, phôi thép chuẩn bị cho sản xuất tháng 6 là 520.000 tấn. Ngoài ra, tổng lượng thép và nguyên liệu thép nhập khẩu vào Việt Nam đến nay đã vượt trên 3 triệu tấn.

Giám đốc một DN sản xuất thép đưa ra nhận định, với sản lượng thép tồn kho hiện có của các DN, tổ hợp sản xuất trong nước, cộng thêm lượng thép nhập khẩu tồn kho, có thể sử dụng đủ đến hết quý 3-2011 mà không cần sản xuất thêm. Đó là lý do khiến hàng loạt DN sản xuất thép trong nước buộc phải cắt giảm công suất thiết kế hoặc ngừng sản xuất thép thời gian gần đây.

Xuất khẩu: Vướng cơ chế

Đại diện Vnsteel và Pomina đều cho rằng, nguyên nhân khiến sức tiêu thụ thép chậm là do “cầu” giảm, trong đó ảnh hưởng khá nặng nề do lạm phát kéo dài, lãi suất liên tục tăng cao cũng như tác động khá mạnh mẽ của một loạt dự án đầu tư công bị cắt giảm theo tinh thần Nghị quyết 11. Để thoát khỏi những khó khăn hiện tại, nhiều DN thép đang tìm kiếm, đẩy mạnh thị trường xuất khẩu nhưng chưa mang lại hiệu quả do gặp một số khó khăn trong kinh doanh và cơ chế chính sách.

Ông Đỗ Duy Thái Tổng, Giám đốc Pomina cho biết, DN đã có nhiều bài học kinh nghiệm xuất khẩu thép sang thị trường Campuchia, Lào… Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu qua các thị trường này còn khá khiêm tốn, đặc biệt thời điểm hiện nay càng khó khăn hơn. Để xuất khẩu được thép trong nước sang các nước này phải chật vật cạnh tranh về giá.

Trong khi đó, lãi suất trong nước hiện quá cao, cộng thêm công suất các nhà máy sản xuất thép đang giảm mạnh khiến sức ép cạnh tranh giá càng khó. Cụ thể, hiện tại, sản phẩm sắt thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt về giá với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Australia. Trong khi những nước này xuất khẩu sắt thép với sản lượng rất lớn, lại được ưu đãi về thuế, nên khi ra thị trường thế giới, giá sản phẩm rất cạnh tranh. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu với số lượng nhỏ, lại chưa được hỗ trợ về thuế, nên khả năng cạnh tranh chưa cao.

Đại diện VSA cho rằng, vừa qua, Bộ Công thương có tờ trình Chính phủ đánh thuế xuất khẩu thép từ 1,5%-3% với lý do ngành thép tiêu thụ điện nhiều. Mặc dù tỷ lệ điện trong giá thành thép chỉ khoảng 1,2% nhưng điều này càng gây khó khăn cho xuất khẩu thép.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, lâu nay các nước đều có chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành thép. Nếu chưa hỗ trợ được xuất khẩu thì không nên đánh thuế, vì áp thuế trong thời điểm này sẽ chặn đường thép xuất đi, gây tồn ứ lớn thép trong nước.

Trước tình hình này, VSA kiến nghị, Chính phủ nên tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu thép để giảm thiểu tỷ lệ nhập siêu, vì năm ngoái nhập siêu ngành thép đã 6 tỷ USD. Bởi với tiềm năng, lợi thế đang có và cộng thêm sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là về chính sách thuế, chắc chắn việc xuất khẩu thép Việt sẽ dần tìm được vị trí tương xứng, có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Theo VSA, hiện nay cả nước có 65 dự án sản xuất gang thép công suất 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án của Tổng Công ty Thép Việt Nam quản lý). Trong đó, có 58 dự án trong nước, liên doanh và 7 dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong số này, chỉ 17 dự án trong quy hoạch, 16 dự án được bổ sung quy hoạch, còn lại 32 dự án do các địa phương tự cấp phép không theo quy hoạch.

Năm 2010, ngành thép xuất khẩu đạt khoảng 1,3 tỷ USD; 6 tháng đầu năm 2011 đạt 880 triệu USD chủ yếu vào thị trường Campuchia, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Lào, Australia… Tuy nhiên, cùng thời điểm này, Việt Nam nhập khẩu 7,1 tỷ USD các sản phẩm liên quan đến thép.


Theo LẠC PHONG

SGGP

Vietnamese Dong
18-07-2011, 09:31 PM
Thị trường thép : Ấm lên vào cuối quý III
Triển vọng thị trường thép nửa cuối năm phụ thuộc phần lớn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Theo tính toán sơ bộ, sản lượng thép thành phẩm các loại của ngành thép trong 6 tháng còn lại của năm 2011 có thể đạt từ 4,2 – 4,5 triệu tấn. Đây là con số khá lớn so với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, sức tiêu thụ của thị trường trong những tháng cuối năm vẫn là một dấu hỏi lớn.

Khảo sát thị trường cho thấy, do nhu cầu trên thị trường nội địa xuống thấp và không có dấu hiệu cải thiện nên giá bán thực tế của các DN liên tục được điều chỉnh để đẩy mạnh tiêu thụ mặc dù cùng lúc đó giá thép thành phẩm thế giói đang có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ trong ngắn hạn. Trước hoàn cảnh đó, các DN trong nước đã duy trì giá niểm yết tại nguồn không đổi, nhưng cạnh tranh với nhau gay gắt thông qua các biện pháp giảm giá gián tiếp như: tăng chiết khấu bán hàng, áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình, trợ giá đối với các công trình lớn...

Khó dự báo

Theo dự báo của TCty thép VN, sức tiêu thụ thép toàn cầu được dự báo tiếp tục yếu cho tới ít nhất hết qúy III/2011 do nền kinh tế thế giới vẫn chưa xuất hiện những dấu hiệu khởi sắc rõ rệt. Lạm phát cao đe doạ sự ổn định kinh tế - xã hội của các nước đang phát triển. Việc IMF cảnh báo về nợ công của nước Mỹ và tháng ăn chay Ramadan của đạo Hồi đang tới gần sẽ góp phần làm thị trường thép thế giới thêm ảm đạm trong quý III/2011.

Trong khi đó, ở trong nước quý III chính là giai đoạn thị trường thép trong nước xuống thấp do trùng với mùa mưa vào tháng 7 âm lịch, nên nhu cầu xây dựng chắc chắn giảm, đặc biệt là nhu cầu của thị trường xây dựng dân dụng. Dự báo tình hình tiêu thụ thép trong quý III không có nhiều chuyển biến so với hiện nay.

Quý IV theo thông lệ sẽ bước vào mùa xây dựng và kinh tế trong nước cũng như quốc tế có xu hướng tăng trưởng cao hơn ở những tháng cuối năm. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thép có khả năng tăng trở lại.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thị trường thép trong nước vẫn có khả năng diễn biến trái với thông lệ như năm 2010. Triển vọng thị trường thép nửa cuối năm phụ thuộc phần lớn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và các chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ và sự biến động tăng/giảm giá của nguyên nhiên liệu nhập khẩu.

DN “thế thủ”

Nhiều DN cho biết, trong bối cảnh thị trưòng thép hiện nay, không còn cách nào khác các DN bắt buộc phải co cụm sản xuất, chủ yếu rút về thế thủ để tồn tại là chính. Một mặt, sản xuất xuất khẩu thì bị “chặn” bởi lãi suất cao. Mặt khác, thị trường nội địa đang bị “bủa vây” bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Mối lo lớn nhất của DN thép trong thời gian tới chính là 'nhập siêu thép ngày càng nhiều, đặc biệt thép từ Trung Quốc. Các DN cho rằng, nếu các bộ, ngành không có biện pháp cương quyết, đủ mạnh để hạn chế ngay thì DN thép trong nước càng thêm khó khăn.

Hiện nay, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, các nhà phân phối thép buộc phải giảm giá so với giá niêm yết của các nhà sản xuất bình quân từ 1.500 – 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sức tiêu thụ vẫn rất chậm và yếu. Thống kê của Hiệp hội thép VN, sản xuất và tiêu thụ của các thành viên trong hiệp hội trong quý II/2011 giảm từ 10-14% so với quý I.

Chủ tịch HĐQT một DN thép cho biết, khi giá thép thế giới có xu hướng giảm thì người mua trong nước chỉ mua cầm chừng, nhu cầu tiêu thụ giảm hẳn. Vì vậy, doanh số bán hàng của DN thép cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, hiện sắp bước vào mùa thấp điểm của mặt hàng thép trong quý III hàng năm. “Nếu giá thép còn ở mức thấp kéo dài 3 - 4 tháng thì nhiều DN phải đẩy mạnh bán hàng tồn kho để trả nợ ngân hàng, khiến giá thép tiêu thụ trong nước còn có thể giảm” - vị chủ tịch này chia sẻ.

Có thể nói rằng, thời điểm hiện tại là khoảng thời gian khó khăn và là phép thử nghiệt ngã đối với DN thép. Chính vì vậy việc đưa ra các giải pháp hợp lý như giãn tiễn độ, cắt giảm một số hạng mục không cần thiết để vừa đảm bảo sản xuất, tạo việc làm cho người lao động là việc mà các DN nên tính ở thời điểm này.

Mặt khác, các DN đang cố gắng duy trì sản xuất để chờ đợi tính hiệu quả từ các chương trình chống lạm phát của Chính phủ. Các chuyên gia dự báo, nhiều khả năng đến cuối quý 3/2011, tình hình khá hơn đối với ngành thép.

Các DN ngành thép đang... chờ đợi và hi vọng sự hồi sinh của thị trường!

Theo Quốc Anh

DDDN

jimmy1982
18-07-2011, 10:57 PM
Đã là diễn đàn trao đổi thì nên là ý kiến của mọi người trao đổi, thỉnh thoảng có thêm dẫn chứng cho sinh động. Bác cứ Spam tin từ website vào ai chẳng biết, dài dòng quá ko ai đọc đâu mất hay bác ơi! oki

Vietnamese Dong
18-07-2011, 11:06 PM
Đã là diễn đàn trao đổi thì nên là ý kiến của mọi người trao đổi, thỉnh thoảng có thêm dẫn chứng cho sinh động. Bác cứ Spam tin từ website vào ai chẳng biết, dài dòng quá ko ai đọc đâu mất hay bác ơi! oki

Em hoan nghênh trao đổi mà bác, chỉ vì nhiều người còn lạ lẫm về ngành này nên em tập hợp thông tin để nâng cao trình độ thôi ... ít nhất là cho em. Phân tích công ty thì ok, nhưng phân tích ngành, và giao dịch hàng hóa cần một kiến thức rộng.

Bác hay thì pót bài chất lượng đi, em sẽ vote cho bác. Em thấy bác mới spam toàn hỏi nhăng hỏi cuội, chẳng có chuyên môn gì cả.

:cuoisunrang:

kiemkhach
21-07-2011, 11:19 PM
Sản lượng thép thế giới tăng 7,6% trong nửa đầu năm 2011



http://testcafef.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2011/07/21/thep.jpg (http://testcafef.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/07/21/thep.jpg)
Riêng tháng 6, sản lượng thép thế giới tăng 6%, đạt 128 triệu tấn.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép của 64 nước thành viên hiệp hội trong 6 tháng đầu năm nay tăng 7,6% lên 757,8 triệu tấn. Hầu hết các nước thành viên đều đạt mức tăng trưởng dương.
Riêng tháng 6, sản lượng thép thế giới đạt 128 triệu tấn, cao hơn 6% so với cùng tháng năm ngoái.
Ở châu Á, sản lượng thép của Trung Quốc tháng 6 đạt 59,9 triệu tấn, tăng 11,9% so với tháng 6 năm ngoái. Sản lượng của Nhật Bản đạt 8,9 triệu tấn, giảm 5%. Sản lượng của Ấn Độ tăng 7,3% lên 6 triệu tấn, của Hàn Quốc tăng tới 19% lên 5,7 triệu tấn.
Tại EU, sản lượng thép của Đức tháng 6 đạt 3,9 triệu tấn, tăng 0,2%, của Italia đạt 2,6 triệu tấn, tăng 15,2% so với cùng tháng năm ngoái. Sản lượng của Tây Ban Nha đạt 1,5 triệu tấn, tăng 4,5%, của Pháp đạt 1,4 triệu tấn, giảm 6,1%.
Sản lượng thép của Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước là 2,8 triệu tấn, tăng 12,3%.
Ở châu Mỹ, sản lượng thép của My tăng 1,7% lên 7,2 triệu tấn trong tháng 6, của Braxin tăng 3,9% lên 3 triệu tấn.
Công suất của các nhà máy thép toàn cầu tháng 6/2011 đạt 82,8%, cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với tháng 5 và cao hơn 2,5 điểm phần trăm so với cùng tháng năm ngoái.

Nguyễn Hằng
Theo WSA

kiemkhach
24-07-2011, 05:13 PM
Giá thép sẽ còn giảm trong tháng 8



http://testcafef.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2011/07/24/thep-thep.jpg (http://testcafef.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/07/24/thep-thep.jpg)
Lượng tiêu thụ sụt giảm, phôi và thép phế trên thế giới đang đứng giá là những nguyên nhân cơ bản khiến thép trong nước chịu áp lực tiếp tục giảm giá trong tháng tới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 7 ước đạt khoảng 270.000- 300.000 tấn, ngang ngửa bằng tháng 6. So với tháng 5, lượng thép dùng trong hai tháng gần đây, giảm khoảng hơn 100.000 tấn.

Giá thép hiện bán ra phổ biến ở mức 15,6- 16,8 triệu đồng mỗi tấn (chưa bao gồm VAT và phí vận chuyển). Giá bán lẻ dao động từ 18 triệu đồng đến 18,7 triệu đồng. Các nhà phân phối lẻ đang giảm khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi tấn để đẩy mạnh tiêu thụ.
Theo VSA, sức mua sụt giảm nên trong tháng tới, thép có thể đứng giá, thậm chí giảm. Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch VSA lý giải, thực hiện Nghị quyết 11 nhằm kiềm chế lạm phát, nhiều công trình bị cắt giảm, lãi suất ngân hàng vẫn cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay nên lượng tiêu thụ thép giảm đáng kể.

Thêm vào đó, sắp tới là mùa mưa bão, nhiều công trình sẽ hạn chế thi công. Lãnh đạo VSA dự báo, sức mua trong tháng 8 sẽ chỉ dao động quanh mức khoảng 300.000 tấn.

Ngoài ra, phôi và thép phế trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, phôi hiện bán với giá 670 - 690 USD mỗi tấn. Thép phế cũng dao động từ 470 đến 490 USD mỗi tấn. “Nguyên liệu đầu vào chững lại, lượng tiêu thụ sụt giảm nên thời gian tới, thép sẽ đứng giá, thậm chí có những doanh nghiệp sẽ chiết khấu mạnh để kích cầu", ông Nghi cho hay.

Theo Bộ Công Thương, ước 6 tháng, tổng lượng tiêu thụ đạt 2,37 triệu tấn. Từ tháng 1 đến tháng 3, giá bán đầu nguồn thép xây dựng tăng 1,5-2 triệu đồng mỗi tấn do chi phí đầu vào như điện, xăng dầu tăng. Từ tháng 4 đến nay, giá thép xây dựng bắt đầu chững lại do phôi, thép phế trên thế giới đứng giá, nhu cầu tiêu thụ trong nước chậm. Để đẩy mạnh sức cầu, nhiều nhà máy đã tăng mức chiết khấu và hỗ trợ vẩn chuyển đến tận chân công trình.

Theo Hoàng Lan
Vnexpress

kiemkhach
28-07-2011, 10:16 PM
Nhu cầu thép thế giới sẽ u ám trong quý 3



http://testcafef.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2011/07/28/thep-thep.jpg (http://testcafef.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/07/28/thep-thep.jpg)
Tuy nhiên trong quý 4, Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ vực dậy thị trường.
Các nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới nhận xét, Trung Quốc và các nhà sản xuất ô tô toàn cầu sẽ hỗ trợ cho nhu cầu thép trong phần còn lại của năm 2011. Tuy nhiên tình hình sẽ sáng sủa hơn ở quý 4 vì quý 3 chịu sức ép mùa vụ.
Các nhà sản xuất thép của Mỹ là US Steel và AK Steel đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu ngành thép hôm 26/7 vừa qua bởi dự đoán lợi nhuận sẽ giảm trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, lặp lại ý kiến cảnh báo từ hãng thép Posco của Hàn Quốc.
Nhà sản xuất thép số 1 thế giới là ArcelorMittal, sản xuất 6 – 7% tổng nguồn cung toàn cầu, cho biết điểm yếu của thị trường trong quý 3 là mùa hè ở Bắc bán cầu. Riêng năm nay, thị trường chịu áp lực nhiều hơn bởi sản lượng kỷ lục ở Trung Quốc và nhu cầu giới hạn bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ của Bắc Kinh cùng với nợ công ở EU và Mỹ.
Tuy nhiên, thị trường sẽ được hỗ trợ nhờ ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang hồi phục, nhất là các nhà sản xuất Nhật Bản bởi nguồn cung đã ổn định sau thảm họa tháng 3, sẽ giúp cho thị trường bớt căng thẳng và hồi phục mạnh trong quý 4.
ArcelorMittal cho rằng, Trung Quốc - không phải là thị trường chính của hãng này nhưng lại có ảnh hưởng trong việc chi phối giá và nhu cầu của thế giới - có thể đạt mức tăng trưởng nhu cầu 8,5% trong cả năm, kéo theo tăng trưởng nhu cầu thế giới ở mức 7 – 7,5%.

Minh Vân
Theo Reuters

kiemkhach
01-08-2011, 05:37 PM
10 nước sản xuất thép lớn nhất thế giới



Trung Quốc hiện đứng đầu thế giới về sản xuất thép, bỏ xa vị trí thứ hai là Nhật Bản tới gần 6 lần và cao gấp 20 lần so với Thổ Nhĩ Kỳ ở vị trí thứ 10.
10. Thổ Nhĩ Kỳ
- Sản lượng: 29,1 triệu tấn thép thô
- Tổng xuất khẩu: 17,4 triệu tấn
- Tiêu thụ nội địa: 23,6 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/10turkey.jpg

9. Braxin
- Sản lượng thép thô: 32,9 triệu tấn.
- Xuất khẩu: 8,6 triệu tấn
- Tiêu thụ: 26,6 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/9brazil.jpg


8. Ukraina
- Sản lượng thép thô: 33,4 triệu tấn
- Xuất khẩu: 24 triệu tấn
- Tiêu thụ: 5,5 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/8ukraine.jpg

7. Đức
- Sản lượng thép thô: 43,8 triệu tấn
- Xuất khẩu: 20,8 triệu tấn
- Tiêu thụ: 36,3 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/7germany.jpg

6. Hàn Quốc
- Sản lượng thép thô: 58,4 triệu tấn
- Xuất khẩu: 20,2 triệu tấn
- Tiêu thụ: 52,4 triệu tấn

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/71f6southkorea.jpg

5. Nga
- Sản lượng thép thô: 66,9 triệu tấn
- Xuất khẩu: 27,6 triệu tấn
Tiêu thụ: 35,7 triệu tấn.

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/5russia.jpg

4. Ấn Độ
- Sản lượng thép thô: 68,3 triệu tấn
- Xuất khẩu: 5,6 triệu tấn
- Tiêu thụ: 60,6 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/4india.jpg

3. Mỹ
- Sản lượng thép thô: 80,5 triệu tấn
- Xuất khẩu : 9,2 triệu tấn
- Tiêu thụ: 80,1 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/3unitedstates.jpg

2. Nhật Bản
- Sản lượng thép thô: 109,6 triệu tấn
- Xuất khẩu: 33,3 triệu tấn
- Tiêu thụ: 63,8 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/2japan.jpg

1. Trung Quốc
- Sản lượng thép thô: 626,7 triệu tấn
- Xuất khẩu: 24 triệu tấn
- Tiêu thụ: 576 triệu tấn thép thành phẩm

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/01/1china.jpg


Ghi chú: Dữ liệu tính theo năm 2010

Minh Vân

Theo WSA

kiemkhach
03-08-2011, 11:16 PM
Thủ tướng bổ nhiệm nhân sự tại Tổng công ty Thép

(NDHMoney) Ngày 3/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm nhân sự tại Ngân hàng Chính sách Xã hội và Tổng công ty Thép Việt Nam.
Cụ thể, theo quyết định số 1317/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm có thời hạn ông Vũ Bá Ổn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, giữ chức Ủy viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thép Việt Nam.

Đồng thời, theo quyết định số 1316/QĐ-TTg, Thủ tướng bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kiêm nhiệm Ủy viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội, thay bà H`Ngăm Nie KĐăm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đã chuyển công tác khác.



Nguyễn Bình - NDHMoney

kiemkhach
05-08-2011, 06:12 PM
Chủ tịch Hiệp hội Thép: Ngành thép khó khăn nhưng chưa tới mức phá sản



http://.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2011/08/05/nguyen-chi-cuongthep.jpg (http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/05/nguyen-chi-cuongthep.jpg)
Một tấn thép bị tồn trong vòng 1 tháng sẽ nâng chi phí tài chính của DN lên thêm khoảng 200.000 – 300.000 đồng. Hiện lượng thép tồn kho của ngành được cho là khoảng 420.000 tấn.

Nhu cầu thép giảm mạnh do khó khăn chung của nền kinh tế khiến nhiều DN thép gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Và một trong những biểu hiện cụ thể nhất là lượng hàng tồn kho của ngành này khoảng 420.000 tấn. Ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam đã có những trao đổi xoay quanh vấn đề này.

Nhiều DN thép cho biết, hiện tại họ đang bị tồn kho rất nhiều. Vậy Hiệp hội có thống kê cụ thể về lượng tồn kho của các DN này, tính đến thời điểm hiện tại không, thưa ông?

Ngành thép đang là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thắt chặt tiền tệ của NHNN. Theo thống kê của Hiệp hội Thép, thì tính đến hết tháng 7/2011 thì lượng hàng sản xuất tồn kho của các doanh nghiệp thép là 420.000 tấn, cộng với tồn kho tại các cửa hàng thương mại nữa thì có thể con số này còn tăng thêm.
“Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa ra con số tổng tồn kho hiện nay là 600.000 tấn, nhưng tôi cũng không rõ là độ chính xác này là bao nhiêu vì thống kê tồn kho trong sản xuất thì chính xác còn thống kê tồn kho trong lưu thông thì hơi khó. Nhưng tồn kho đang là khó khăn hiện nay của ngành thép...”

So với các năm trước lượng tồn kho của năm nay đang vượt gần gấp đôi mức bình thường (200.000 – 300.000 tấn).

Theo ông, xu hướng tồn kho của ngành thép có còn gia tăng trong thời gian tới nữa không?

Tôi cho rằng, số tồn kho đến giờ đã là ở mức báo động nên DN sẽ không dám sản xuất thêm nhiều khiến lượng tồn kho tăng thêm hơn nữa; bởi lẽ kho bãi không thể chứa được hết mà thép lại là mặt hàng dễ bị hoe xỉ. Đình sản xuất sẽ là giải pháp được nhiều doanh nghiệp thép lựa chọn để cầm chừng qua giai đoạn khó khăn này.

Điều đó sẽ gây khó khăn như thế nào đối với các DN?

Thông thường các DN rất muốn có vốn lưu động để quay vòng, vốn càng nhiều thì hiệu quả sản xuất càng cao nhưng với tình trạng tồn kho như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ gặp phải một số khó khăn sau:

Thứ nhất, với lãi suất cho vay của các ngân hàng hiện nay khoảng 20% thì 1 tấn thép bị tồn trong vòng 1 tháng sẽ nâng chi phí tài chính của DN lên thêm khoảng 200.000 – 300.000 đồng.

Thứ hai, nếu hàng tồn quá nhiều sẽ khiến các doanh nghiệp thép phải giảm sản lượng sản xuất xuống, trong khi đó nếu không chạy hết công suất thiết kế thì hầu hết các nhà máy sản xuất thép sẽ bị lỗ.

Đã có thông tin rằng tình hình khó khăn hiện nay đã khiến khoảng 20% DN thép bị phá sản, ông thấy thông tin này thế nào?

Ngành thép đang bị tồn kho là điều đúng nhưng không phải diễn ra ở tất cả các doanh nghiệp, có doanh nghiệp vẫn hoạt động đúng công xuất, có doanh nghiệp sản xuất cầm chừng... Nhưng tính đến thời điểm hiện tại Hiệp hội vẫn chưa nhận được một thông tin nào của hội viên báo lên là bị đóng cửa cả.

Cũng có thể trong ngành thép đang có những DN đang gặp khó khăn khiến ngân hàng (chủ nợ) phải kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền vào để thu nợ (quá hạn) hoặc tiêu thụ sản phẩm quá chậm và ít hay nhiều doanh nghiệp tìm đối tác để bán lại.

Tôi xin khẳng định, tình trạng nhiều doanh nghiệp thép đang phải sản xuất đình đốn thì có nhưng đóng cửa hoàn toàn hay tuyên bố phá sản là chưa có. Ai đó đã đưa ra con số 20% doanh nghiệp thép bị phá sản là không có căn cứ.

Nhưng nếu tình trạng tồn kho này còn tiếp diễn trong thời gian tới thì có hay không việc nhiều DN thép sẽ bị phá sản?

Từ nay đến cuối năm tình trạng khó khăn này còn kéo dài, sản xuất ra không bán được, hàng tồn kho tiếp tục tăng thì chắc chắn nhiều DN sẽ phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, còn phá sản hay không sẽ phải phụ thuộc vào tình hình thực tế cũng như giải quyết các hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức tín dụng (giãn nợ, giải quyết những khó khăn trước mắt về mặt tài chính...)

Thống đốc ngân hàng mới lên có tuyên bố rằng sẽ quyết tâm hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống 17 – 19% , các cơ quan chức năng cũng đưa ra nhiều chính sách mới để “giải thoát” nguy cơ phá sản cho các DNNVV và các DN thép cũng sẽ nằm trong đối tượng được “cứu”.

Trong trường hợp không được “cứu” thì phá sản sẽ xảy ra với nhiều DN thép.

http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/05/sx-thep.jpg



Phải hạ giá để giải phóng hàng tồn kho, ông có cho rằng việc này cũng sẽ góp phần giúp chống được thép lậu của các nước tràn sang Việt Nam không?

Thực ra, mặt hàng thép xây dựng thì các sản phẩm thép trong nước đã chiếm thị phần khá là tốt. Hiện nay, thép xây dựng nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu là thép Trung Quốc nhưng chất lượng và thương hiệu lại không bằng thép trong nước nên việc lấy lại lòng tin của người tiêu dùng đối với thép lậu sẽ là không dễ dàng.

Cụ thể, thép cây (thép chịu lực) tiêu thụ của hàng nhập rất thấp, trong tổng số tiêu thụ 3 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2011 thì lượng thép ngoại chỉ vào khoảng vài vạn tấn – một lượng rất nhỏ, không đáng kể.

Ở mặt hàng thép cuộn thì theo thống kê đến hết tháng 6 có khoảng 180 nghìn tấn được nhập vào nước ta nhưng cũng chỉ chiếm 1/3 thị phần.

Đó là còn chưa kể đến việc khi nhập vào Việt Nam họ bị chịu phí vận tải và thuế nhập khẩu với mặt hàng thép của Trung Quốc 7 - 10%

Nói như thế để thấy rằng, với những điều kiện đó thép lậu vào Việt Nam vốn cũng rất khó cạnh tranh. Hay nói một cách khác, việc tồn kho hay hạ giá của các doanh nghiệp thép không ảnh hưởng hay liên quan nhiều đến việc ngăn chặn thép nhập lậu tràn vào nước ta.

Còn người tiêu dùng có được hưởng lợi gì không, thưa ông?

Cũng như các ngành nghề khác, khi tồn kho quá nhiều các DN thép cũng sẽ phải hạ giá để cắt lỗ nhưng cũng không thể giảm giá quá nhiều.

Cá nhân tôi cho rằng, mức giá hiện nay của các DN thép cũng chưa phải là giá thấp nhất nhưng để giảm thêm nhiều nữa sẽ là khó vì mức giá hiện nay đã khiến nhiều DN bị lỗ.

Tuy nhiên, để kích thích tiêu dùng nhiều DN sẽ chọn hình thức giảm giá khác mà không tính trực tiếp vào giá thành như: Cho phép trả chậm, không tính lãi, triết khấu vận tải nhiều hơn trước, ... Như thế đã là một trong những biện pháp hỗ trợ người tiêu dùng của các DN thép.


Chí Thành (Thực hiện)

Theo TTVN

TaiChinhViet
14-08-2011, 07:15 PM
Thị trường thép đang mất cân đối



http://.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2011/08/14/thep-thep.jpg (http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/14/thep-thep.jpg)
Xu hướng tiêu thụ giảm là nhận định chung của nhiều chuyên gia và DN khi nói về tình hình thép những tháng cuối năm.
Khảo sát thị trường thép cho thấy, giá thép hiện bán ra phổ biến ở mức 15,6 - 16,8 triệu đồng/tấn. Giá bán lẻ dao động từ 18 - 18,7 triệu đồng/tấn. Các nhà phân phối lẻ đang giảm khoảng 100.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi tấn để đẩy mạnh tiêu thụ.
Phần lớn các DN sản xuất thép vẫn giữ giá bán từ cuối tháng 3/2011 đến nay; đồng thời tăng chiết khấu bán hàng, hỗ trợ chi phí vận chuyển... cho các đại lý để đẩy mạnh tiêu thụ. Mặc dù đã giảm giá mạnh, song các đại lý thép vẫn “kêu” không tiêu thụ được, sức tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh so với những tháng trước đây
Theo Hiệp hội Thép VN (VSA), lượng thép tiêu thụ trong tháng 7 đạt khoảng 270.000- 300.000 tấn, ngang ngửa với tháng 6. So với tháng 5, lượng thép dùng trong hai tháng gần đây, giảm hơn 100.000 tấn. Dự kiến trong tháng 8, lượng tiêu thụ sẽ giảm so với những tháng trước.
Một lý do khác được VSA đưa ra là do tình hình lạm phát trong nước tăng cao, Chính phủ phải áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế, trong đó có việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết; chính sách thắt chặt tín dụng của ngân hàng đối với các dự án bất động sản và một phần do bắt đầu mùa mưa bão nên tiêu thụ thép giảm mạnh.
Không chỉ thị trường trong nước rơi vào cảnh ảm đạm, phôi và thép phế trên thị trường thế giới đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, phôi hiện bán với giá 670 - 690 USD/tấn. Thép phế cũng dao động từ 470 đến 490 USD/tấn. “Nguyên liệu đầu vào chững lại, lượng tiêu thụ giảm nên thời gian tới, thép sẽ đứng giá, thậm chí có những DN chiết khấu mạnh để kích cầu" - một DN cho hay.
Tại hội thảo "Nhận định các kênh đầu tư 2011" do Sở giao dịch hàng hóa và VCCI tổ chức mới đây, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN một lần nữa cảnh báo về tình hình cung vượt cầu trong ngành thép."Lượng ngoại tệ để nhập nguyên liệu và sản phẩm thép trong nước chưa sản xuất được lên đến 7 tỉ USD, trong khi chúng ta chỉ xuất được hơn 1 triệu tấn thép, trị giá 1 tỉ USD. Tính ra trung bình ngành thép nhập siêu 6 tỉ USD/năm. Tình hình kinh tế những tháng cuối năm 2011 có thể vẫn gặp nhiều khó khăn nên tiêu thụ thép cả năm 2011 sẽ giảm so với năm 2010" - ông Cường nói.
Theo VSA, một trong những lý do khiến thép thừa là do các dự án cấp cho ngành thép vẫn đang nhiều và mất cân đối. Cụ thể, hiện có 32 dự án không thuộc danh mục quy hoạch đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tập trung ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hải Dương... Trong số này có hơn 20 dự án là địa phương cấp sai thẩm quyền, nghĩa là đáng lẽ trước khi cấp phép, địa phương cần phải xin ý kiến bộ chuyên ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường... và báo cáo Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Nhưng địa phương cứ làm theo nguyên tắc dự án nào dưới 1.500 tỉ đồng là... tự quyết định cấp hay không cấp phép mà không hỏi ý kiến Trung ương.
Cũng theo VSA, trong bối cảnh thép đang thừa như vậy, Nhà nước cần có biện pháp khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm thép sang các nước trong khu vực và thế giới. Những biện pháp đó có thể là giảm thuế GTGT cho sản phẩm thép xuất khẩu, ưu đãi thuế xuất khẩu, hỗ trợ cho DN thép để có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường xuất khẩu thép thế giới (bằng các chương trình xúc tiến thương mại). Trước đây, các DN chỉ có thể xuất thép sang Lào, Myanmar... nhưng nay đã có thể đưa vào các thị trường khó tính như Mỹ, Trung Đông, EU... Điều này chứng tỏ ngành thép có khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới nếu có sự đầu tư đúng hướng cùng những chính sách tạo điều kiện phù hợp với cam kết gia nhập WTO.
Cùng với đó, việc chấn chỉnh quy hoạch ngành thép cũng là việc cần phải làm ngay và mang tính cấp bách lúc này, đặc biệt là các dự án được các địa phương cấp phép. Để giải quyết, theo các chuyên gia cần kiên quyết thu hồi những giấy phép không có trong quy hoạch hoặc không thực hiện đúng quy trình thủ tục đầu tư theo quy định. Đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng, ống thép, thép cán nguội, thép mạ kim loại và tôn phủ màu do đã quá thừa trong ít nhất 5 năm tới.

Theo Quốc Anh
DDDN

TaiChinhViet
18-08-2011, 11:18 AM
TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG THÉP THẾ GIỚI TRONG TUẦN (05-12/8/2011)

18/08/2011 08:27:08

Thị trường thép thế giới tăng trong tuần này. Thị trường giao ngay của Mỹ vẫn ổn định, trong khi các nhà máy đã tăng giá thép tấm. Thị trường Châu Âu tăng, và các nhà máy của CIS vẫn giữ giá xuất khẩu.

Chỉ số giá thép thế giới vào ngày 12/8/2011


Chỉ số
Tăng so với tuần trước (% )
Thế giới
146.41
↑0.4
Mỹ
136.58
--
Châu Âu
135.44
↑0.13
Châu Á
153.78
↑0.61
Thép dẹt
132.43
↑0.3
Thép dài
164.48
↑0.54

I) Thị trường Bắc Mỹhttp://satthep.net/uploads/news/03/90/04/pipe16082011.jpg
Công ty Thép AK Steel công bố hôm thứ tư rằng họ sẽ tăng giá khoảng 60 usd/tấn trên thị trường giao ngay đối với thép carbon cán phẳng. Công ty cho biết việc tăng giá sẽ có hiệu lực ngay đối với các đơn hàng mới. Sau khi giá thép của AK Steel tăng, nhiều nhà máy cũng theo xu hướng tăng, bao gồm các nhà máy USS, California Steel Industries Inc., ArcelorMittal U.S, Servestal, NLMK.
Tuy nhiên, tình hình tài chính bất ổn trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng xấu đến thị trường giao ngay của Mỹ. Giá giao ngay của thép cuộn cán nóng là 640 usd/tấn ngắn, giảm 30% so với mức giá đỉnh điểm trong nửa đầu năm 2011. Giá giao ngay của thép cuộn cán nguội là 780 usd/tấn ngắn; giá thép mạ kẽm nhúng nóng là 820 usd/tấn ngắn. Đợt giảm giá này là do các nguồn cung tăng mạnh, đặc biệt là nguồn hàng nhập khẩu.
Trong nửa đầu năm 2011, Mỹ đã nhập khẩu tổng cộng là 13.254 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 24.8% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng thép thô của Mỹ đạt đến 56.727 triệu tấn, tăng 5.5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá thép tấm bắt đầu rớt trong quý 2, các nhà máy thép vẫn chưa cắt giảm sản xuất và công suất đạt 76.8% trong những tuần gần đây, mức đỉnh điểm kể từ đợt khủng hoảng tài chính.
Trên thực tế, nhu cầu thép tấm của Mỹ không cao và đầu ra vẫn ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 là 93.07, cao thứ hai kể từ đầu năm 2011. Doanh số bán hàng ôtô của Mỹ trong tháng 7 là 1.06 triệu chiếc, tăng 0.9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu hàng năm tính đến tháng 7 là 12.2 triệu chiếc, cao hơn so với tháng 4 và tháng 5.
Các nhà máy thép của Mỹ bắt đầu tăng giá xuất xưởng mặc dù thị trường giao ngay đang giảm sút. Nguyên nhân là giá thép phế liệu, giá quặng sắt và giá than luyện cốc của Mỹ vẫn tăng. Giá giao ngay thép cuộn cán nóng đã giảm dưới mức chi phí sản xuất bằng lò luyện thép BF và gần bằng chi phí sản xuất bằng lò luyện thép EAF. Nếu như các nhà máy có thể kiểm soát sản xuất, đi đôi với việc giảm nhập khẩu trong nửa năm còn lại của năm 2011, thì việc giảm nguồn cung và ổn định nhu cầu có thể giúp ổn định thị trường giao ngay.
Vào cuối tuần ngày 06/8/2011, sản lượng thép thô trong nước đạt 1,879,000 tấn với công suất 76.8%. Sản lượng vào cuối tuần ngày 06/8/2010 là 1,647,000 tấn với công suất 68.1%. Sản lượng trong tuần hiện tại tăng 14.1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tính đến cuối tuần ngày 06/8/2011 tăng 1.1% so với cuối tuần trước, ngày 30/7/2011 khi sản lượng đạt 1,858,000 tấn với công suất 76%
II) Thị trường Châu Âu
Các nhà máy thép của Tây Ban Nha dự định tăng giá thép hình khoảng 35-40 EUR/tấn do chi phí tăng và nhu cầu dự kiến sẽ được cải thiện. Nếu có thể thực hiện được việc tăng giá, thì giá giao ngay của thép hình lớn có thể tăng đến 690 EUR/tấn
ArcelorMittal, nhà sản xuất thép số 1 của thế giới, cho biết sẽ đầu tư khoảng 150 triệu usd để nâng cấp 1 lò luyện thép của nhà máy ở Temirtau tại Kazakhstan nhằm gia tăng sản lượng. “Việc nâng cấp lò luyện thép số 3 đang được tiến hành trong khuôn khổ của một chương trình hiện đại hóa và mở rộng sản xuất để đạt được sản lượng 6 triệu tấn/năm vào năm 2015,” đại diện công ty đã tuyên bố trong một bài phát biểu. Họ cho biết dự định hoàn thành việc nâng cấp này trong quý 2 năm 2013.
Công ty POSCO đã ký một hợp đồng trị giá 350 triệu USD cho việc xây dựng một nhà máy thép không gỉ cán nguội ở tỉnh Kocaeli thuộc vùng Tây Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ, với năng lực sản xuất ban đầu hàng năm là 200,000 tấn. Dự án được dự kiến sẽ hoàn thành trong 21 tháng và nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất vào tháng 4 năm 2013.
III) Thị trường Châu Á
Các nhà sản xuất thép thanh tròn của Hàn Quốc bao gồm công ty Thép Hyundai, Dongkuk đã nâng giá khoảng 50,000 SKW/tấn từ mức 800,000 SKW/tấn lên 850,000 SKW/tấn kể từ cuối tháng 7/2011. Lượng hàng tồn kho thép thanh tròn giảm và giá thép phế liệu tăng.
Các nhà phân phối của Hàn Quốc cố gắng để nâng giá thép cuộn cán nóng xuất xứ Trung Quốc. Trước tháng 7, giá thép cuộn cán nóng xuất xứ Trung Quốc là 800,000 SKW/tấn và gần đây đã tăng lên mức 810,000 – 820,00 SKW/tấn. Giá thép cuộn cán nóng của Hyundai tăng từ 850,000 SKW/tấn lên 870,000 – 880,000 SKW/tấn. Các nhà phân phối thép của Hàn Quốc hiện đang lo lắng về lợi nhuận khi mà họ đã bị thua lỗ trong 2 tháng.
Công ty thép Tata Steel đã loại trừ các khả năng tăng giá trực tiếp mặc dù họ đã thấy được nhu cầu tăng trưởng 9% đối với thép hợp kim trong tài khóa sắp tới. “Sự tăng trưởng GDP sẽ là 7% và nhu cầu sẽ tăng khoảng 9%”, Ông H.M. Nerurkar, Giám đốc điều hành của Tata Steel đã công bố với giới truyền thông. Ông cho biết giá thép sẽ không tăng trong tương lai gần mặc dù có thể có một số thay đổi từ miền Bắc hoặc miền Nam khoảng 1,000 rupee/tấn trong một khoảng thời gian. Một người đứng đầu của công ty Tata Steel cho biết: họ sẽ bơm khoảng 80 tỉ Rupee trong tài khóa này nhằm hiện đại hóa và tăng cường công suất của nhà máy Jamshedpur từ 6.8 triệu tấn lên 10 triệu tấn.

Nguồn tin: Steelhome

kiemkhach
23-08-2011, 02:48 PM
Giá thép sẽ tăng



http://.vcmedia.vn/thumb_w/252/Images/Uploaded/Share/2011/08/23/509thep.jpg (http://.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2011/08/23/509thep.jpg)
Việc đầu tư xây dựng khả quan hơn trong quý 4 sẽ giúp tăng tiêu thụ thép, giá bán sẽ nhích lên đủ đảm bảo DN ít nhất hòa vốn.
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về tình hình thép những tháng cuối năm, ông Nguyễn Tiến Nghi (ảnh trên), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) cho biết:
Sản lượng sản xuất tiêu thụ thép của các doanh nghiệp (DN) trong ngành mấy tháng gần đây đang chững lại, tháng 6 chỉ đạt hơn 200.000 tấn, tháng 7 hơn 300.000 tấn, khả năng tiêu thụ trong tháng 8, 9 vẫn tiếp tục "đứng", trong khi mức trung bình thường hơn 400.000 tấn/tháng.

- Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông?

Nguyên nhân chính là do các giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đang đi vào cuộc sống, nhiều công trình dự án đầu tư công được giảm hoặc giãn tiến độ. Cùng với đó là lãi suất ngân hàng tăng cao lại khó vay nên số công trình xây dựng tư nhân giảm, các công trình xây dựng cơ bản bị rút tín dụng xuống… khiến thị trường thép bị thu hẹp.

Dự báo sản lượng tiêu thụ thép trong quý 3 còn tiếp tục giảm, với mức trung bình vẫn dưới 400.000 tấn/tháng, bởi đang vào mùa mưa, đồng thời do tác động mạnh của chính sách điều chỉnh tập trung chống lạm phát cho cả năm.

- Điều này gây ảnh hưởng thế nào đến tình hình kinh doanh của DN thép?

Theo dõi cho thấy giá phôi nhập khẩu (NK) từ đầu năm đến nay lúc tăng lúc giảm, với mức trung bình 650 - 700 USD/tấn, nếu tính cả thuế VAT sẽ vào khoảng 14,5 triệu đồng/tấn. Cộng với chi phí sản xuất khoảng 1,6 triệu đồng/tấn, nên 1 tấn thép phải bán được với giá trên 16 triệu đồng/tấn, DN mới đảm bảo có lãi hoặc hòa vốn. Trong khi đó, tình hình thị trường thu hẹp, tiêu thụ chậm nên giá bán thép không thể tăng do cạnh tranh để chiếm thị phần giữa các công ty khá khốc liệt, nhất là năng lực sản xuất đang dư thừa vì đầu tư ồ ạt những năm gần đây. Giá bán thép trung bình trên cả nước hiện chỉ dao động quanh mức 15,2 - 16 triệu đồng/tấn.

Giá USD lại có xu hướng tăng khiến giá phôi, thép phế NK tiếp tục tăng sẽ đẩy giá thành sản xuất thép. Bởi vậy, nếu giá thép thời gian tới vẫn "đứng" hoặc hạ sẽ khiến DN tiếp tục lỗ. Hy vọng sang quý IV, việc đầu tư xây dựng khả quan hơn, sản lượng tiêu thụ thép sẽ đạt trên 400.000 tấn/tháng, giá bán thép sẽ nhích lên đủ đảm bảo DN ít nhất hòa vốn mới có thể tồn tại được.

- Như vậy, người tiêu dùng tiếp tục phải mua thép giá cao?

Trong bối cảnh mọi thứ nguyên liệu cho sản xuất thép đều tăng cao nên tôi nghĩ người tiêu dùng cần chia sẻ một phần khó khăn cho DN. Giá thép trên thị trường trong nước phụ thuộc nhiều vào giá thế giới bởi vẫn đang phải nhập khẩu hơn 50% nguyên liệu cho sản xuất, do đó người tiêu dùng nên biết chấp nhận giá theo thị trường chứ khó có thể như mong muốn. Tất nhiên, giá bán sẽ chỉ tăng nhẹ và phải điều chỉnh từ từ để đảm bảo lợi ích cả đôi bên.

- Hiệp hội dự báo thế nào về kết quả sản xuất tiêu thụ thép toàn ngành?

VSA đang lo ngại tổng sản lượng tiêu thụ năm nay chưa chắc tốt. Vì 7 tháng qua, sản xuất chỉ tăng 7%, tiêu thụ chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức thấp so với mọi năm. Từ nay đến cuối năm mà tiêu thụ khá hơn cả năm còn đạt mức tăng khoảng 5 - 7%, nếu cuối năm tình hình xấu cả năm tăng trưởng âm. Trong khi năm 2010, tổng lượng thép sản xuất, tiêu thụ trong nước và nhập khẩu đạt gần 11,6 triệu tấn thì năm nay khó đạt mức ấy,dự kiến cả năm chỉ khoảng 11 triệu tấn.
- Xin cảm ơn ông!
Trong khi sản xuất tiêu thụ thép khó khăn thì theo thông tin từ Hội đồng Tư vấn về phòng vệ thương mại - Phòng Thương mại & công nghiệp VN, lại đang có nguy cơ kiện chống bán phá giá đối với ống thép VN tiêu thụ tại Hoa Kỳ trong năm 2011. VSA mới đây đã đề nghị các DN có sản phẩm ống thép xuất sang thị trường này cần nghiên cứu kỹ và cập nhật thông tin thường xuyên để có biện pháp phòng vệ kịp thời.







Theo Thuỳ Linh
KTĐT

kiemkhach
07-09-2011, 04:53 PM
Hệ thống phân phối bất cập khiến thép "loạn giá"

Mặc dù nguồn cung thép xây dựng vượt cầu, nhưng thời gian qua, ở một số địa phương, vào một số thời điểm vẫn thiếu hụt dẫn tới giá bán ra tăng vô lý.

Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân là do bất cập từ hệ thống phân phối, dẫn tới “loạn giá” thép trong thời gian qua. Bộ Công Thương cho biết hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất thép ở trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống bán lẻ sẵn có của tư nhân. Do đó, các doanh nghiệp khó có thể điều tiết và kiểm soát giá thép bán ra trong toàn hệ thống.

Đáng chú ý, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) với vai trò bình ổn thị trường, nhưng cũng mới chỉ đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán sỉ và một vài hệ thống phân phối thép đến chân công trình, chưa xây dựng được hệ thống bán lẻ phù hợp. Chính vì vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống bán lẻ sẵn có, nên chưa thể điều tiết và kiểm soát giá thép bán ra trong hệ thống.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp tư nhân không có hệ thống tiêu thụ trực tiếp mà bán hàng thông qua các công ty cấp một, nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất chỉ biết sản xuất, chưa chịu trách nhiệm đến cùng giá sản phẩm của mình. Khi hàng ra khỏi cổng nhà máy, thép đã được bán với một giá khác, sau đó tiếp tục qua đại lý các cấp khác nhau. Như vậy, giá bị tăng lên do mỗi trung gian đẩy một ít để kiếm lợi nhuận.

Ngoài ra, tâm lý nhiều nhà sản xuất cũng không muốn bán trực tiếp đến người tiêu dùng, nhất là đối với các doanh nghiệp tiêu thụ thép lớn, vì không thể thu hồi vốn ngay được. Ngược lại, người tiêu dùng cũng không muốn mua trực tiếp từ các nhà sản xuất, vì không gửi được giá (không được hưởng phần trăm chênh lệch), trong khi đó khi mua ở các đại lý bên ngoài sẽ gửi được giá và có thể bù đắp vào các khoản chi phí khác.

Đây cũng chính là cơ hội để các công ty, đại lý cấp 1, 2, 3, 4..., rồi đến các cửa hàng bán lẻ của tư nhân phát triển. Điều này khiến người mua thép cuối cùng không tiếp cận sát được với giá bán của nhà sản xuất, còn doanh nghiệp sản xuất thép trong nước có thể bị doanh nghiệp phân phối nước ngoài thôn tính cả hệ thống bán sỉ, nhất là khi Việt Nam đã mở cửa hội nhập.

Để đảm bảo lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp sản xuất cần đầu tư hơn nữa cho hệ thống bán lẻ và bán hàng đến tận chân công trình để đảm bảo đầu ra vững chắc, giữ vững được vị trí điều tiết thị trường với sức ép cạnh tranh ngày càng gắt gao.

Bộ Công Thương cũng nhận định, mặc dù phát triển kênh phân phối bán lẻ tốn kém, mất thời gian, nhưng khi đã xây dựng được hệ thống bán lẻ tốt, vị trí của doanh nghiệp sẽ vững vàng hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt là VNSteel cần phải đưa mục tiêu phát triển hệ thống bán lẻ vào chiến lược của mình, đề xuất lên Bộ Công Thương để có cơ chế hỗ trợ cụ thể có thể phát triển hệ thống bán lẻ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch VSA Nguyễn Tiến Nghi nhận định rằng đây là việc làm không phải dễ vì phát triển kênh phân phối bán lẻ rất tốn kém và mất thời gian. Đặc biệt, về giá cả của mặt hàng này thường biến đổi liên tục và mỗi lần như vậy cần phải kiểm kê, nhưng với hệ thống nhiều cửa hàng như vậy rất khó điều hành.

Những năm trước đây, VNSteel cũng có hệ thống phân phối với ba công ty lớn là Kim khí Hà Nội, Kim khí miền Trung và Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh kết hợp giữa sản xuất và phân phối, nhưng thực tế không làm được, mặc dù trong cùng hệ thống VNSteel. Nguyên nhân là do lãi thấp, rủi ro cao, không thu hồi được vốn ngay.

Tương tự, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên cũng từng có hệ thống phân phối ở một số tỉnh như Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An, bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bước sang năm 2010 và 2011, nhận thấy việc duy trì hệ thống bán hàng trực tiếp không hiệu quả nên đã co lại và chỉ làm công tác quảng bá, tiếp thị sản phẩm.

Theo VSA, các công ty nước ngoài hay liên doanh rất có kinh nghiệm về thị trường, nhưng họ vẫn sử dụng biện pháp có lợi nhất là “mua đứt, bán đoạn.” Với biện pháp này, họ giảm được tối đa rủi ro về nguồn vốn.

Ngoài ra, để xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh, việc đầu tiên phải minh bạch, đặc biệt là đưa mặt hàng thép xây dựng lên sàn giao dịch hàng hóa để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng vì giao dịch ở đây sẽ công khai, minh bạch hơn.

Để làm được việc này, Chính phủ cũng cần ủng hộ bằng các cơ chế, chính sách, chủ trương để giải quyết các khó khăn khi các sàn giao dịch đi vào hoạt động, giúp cho những doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch yên tâm khi thấy được sự minh bạch thông qua trung gian là sàn giao dịch hàng hóa.

Theo VSA

kiemkhach
03-10-2011, 10:31 PM
Thép nội đủ sức cạnh tranh với thép ngoại nhập

Theo ông Phạm Chí Cường, hiện thép ống và thép cán của Việt Nam vẫn chiếm lĩnh được thị trường.
http://ndhmoney.vn/image/image_gallery?uuid=e3a1a183-751e-4d60-81f3-5c9f12c4cf98&groupId=380587&t=1317636082866Ảnh minh họa. Ngày 3/10, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết dự kiến năm 2011 mức tăng trưởng của thép xây dựng là gần 5%, ngành thép trong nước mặc dù khó khăn nhưng vẫn đảm bảo đủ cung cấp và cạnh tranh được với thép ngoại nhập khẩu để giữ thị trường.
Theo ông Phạm Chí Cường, hiện thép ống và thép cán của Việt Nam vẫn chiếm lĩnh được thị trường. Các loại thép phải nhập khẩu như thép tấm, thép hợp kim... lượng nhập khẩu cũng giảm đi rất nhiều và dự kiến giảm 1 triệu tấn trong năm 2011.
Do việc triển khai dự án xây dựng cơ bản ở trong nước chậm, nên tổng lượng thép tiêu thụ cũng giảm (cả đối với thép nhập khẩu và thép sản xuất trong nước) với khối lượng giảm khoảng 1 triệu tấn. Vì vậy, xuất khẩu thép sẽ phải tăng lên do lượng dư thừa thép trong nước hiện khá nhiều. Các doanh nghiệp thép cần tăng cường xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài.
Tuy nhiên, ngành thép cũng đang đối mặt với các vụ kiện gia tăng, nhất là với mặt hàng thép cán nguội và thép ống vào thị trường Mỹ do xuất khẩu của nước ta gia tăng quá nhanh vào thị trường này.
Thực ra tổng lượng xuất khẩu không lớn, nhưng Việt Nam mới xuất khẩu mặt hàng này từ 2 đến 3 năm nay với lượng xuất tăng nhanh nên các nước đã sử dụng biện pháp bảo vệ. Các doanh nghiệp hiện đang rất lúng túng để đối phó các vụ kiện do chưa có nhiều kinh nghiệm.



Theo Đỗ Thảo Nguyên - Vietnam+

x2team
24-01-2013, 04:19 PM
Em hoan nghênh trao đổi mà bác, chỉ vì nhiều người còn lạ lẫm về ngành này nên em tập hợp thông tin để nâng cao trình độ thôi ... ít nhất là cho em. Phân tích công ty thì ok, nhưng phân tích ngành, và giao dịch hàng hóa cần một kiến thức rộng.

Bác hay thì pót bài chất lượng đi, em sẽ vote cho bác. Em thấy bác mới spam toàn hỏi nhăng hỏi cuội, chẳng có chuyên môn gì cả.

:cuoisunrang:

Bác này nói đúng đấy, post bài mang tính thực tiễn cao cho mọi ngừoi còn học hỏi chứ