PDA

View Full Version : Keep tightening



1000percent
04-07-2011, 03:22 PM
-----------------------
Blogger: Tiến sỹ Lê Hồng Giang (giangle)

Thời gian đăng: 03/07/2011

Blog: http://kinhtetaichinh.blogspot.com/
-----------------------

Từ đầu năm tới giờ NHNN và thống đốc Nguyễn Văn Giàu phải chịu khá nhiều "búa rìu" vì đã siết chặt chính sách tiền tệ và phá giá VND. Không chỉ một số nhà kinh tế supply-sider phản đối mà rất nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng ca thán chính sách này. Không dừng lại ở việc phản đối trên báo chí, gần đây có vẻ một số hoạt động lobby đã được tung ra (vd tin này, tin này hay tin này) nhằm thuyết phục/gây sức ép thống đốc Giầu giảm bớt nhiệt huyết chống lạm phát.


Tuy nhiên dường như những biện pháp hà khắc của NHNN đã bắt đầu có tác dụng. Lạm phát chựng lại, nhập siêu giảm, sức ép tỷ giá USDVND cũng giảm, thậm chí lãi suất liên ngân hàng cũng có vẻ dịu xuống. Ngoài những sự kiện trên, TBKTSG có một bản tin nhỏ nhưng rất quan trọng mà có lẽ thống đốc Giàu nên viện dẫn để bảo vệ chính sách của mình trong những ngày tới.


Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010. Tất nhiên đây là cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp dệt may nhưng không thể không kể đến phần đóng góp của việc phá giá VND hơn 13% trong 12 tháng qua. Còn nhớ nhiều chuyên gia đã phản đối việc phá giá VND vì không chắc sẽ có lợi cho xuất khẩu và họ viện dẫn dệt may làm một ví dụ điển hình vì ngành này nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào. Đúng là giá nguyên liệu đầu vào đã tăng, theo ông Trường "...trong đó bông tăng 103% về giá trị nhưng giảm gần 10% về lượng". Đối mặt với giá nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, doanh nghiệp đã quay sang tìm các nguồn nguyên liệu khác rẻ hơn và đó là ... nguyên liệu nội địa.



Quan trọng hơn, trong số $6.16 tỷ kim ngạch xuất khẩu dệt may có $2.1 tỷ xuất siêu. Nghĩa là hơn 30% giá trị xuất khẩu dệt may là value-added trong nước (là thành phần đóng góp vào tăng trưởng GDP). Nếu nhân con số này với tỷ lệ phá giá VND hơn 13% trong 12 tháng qua thì competitiveness của hàng dệt may từ VN đã tăng khoảng 4%, nghĩa là một doanh nghiệp may gia công có thể chào giá thấp hơn 4% so với năm ngoái chỉ nhờ tác động của phá giá. Tất nhiên không thể một sớm một chiều nội địa hóa toàn bộ số 70% nguyên liệu đầu vào, nhưng rõ ràng đưa VND về đúng giá trị thực sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xuât khẩu quay về tìm nguồn cung cấp nội địa, và điều này đúng không chỉ với ngành dệt may.


Một thông tin khác từ ông Lê Tiến Trường là toàn ngành dệt may đạt lợi nhuận khoảng 1000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù con số này nhỏ, nhưng trái với những lời phàn nàn lãi suất cao không doanh nghiệp nào chịu được, ít nhất ngành dệt may vẫn có lãi (tất nhiên không thể so với lợi nhuận của giới ngân hàng). Nếu nghi ngờ của tôi về tỷ lệ leverage của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN rất cao, dù số lợi nhuận tuyệt đối nhỏ nhưng nhân với leverage cao thì các ông chủ của những doanh nghiệp này vẫn có thể có ROE kha khá. Riêng Vinatex vẫn còn những dự án có return on capital lớn hơn 20%, nghĩa là ROE là 40% nếu họ vay ngân hàng 50% vốn đầu tư. Thống đốc Giàu không cần phải lo khi các doanh nghiệp tuyên bố lãi suất cao họ sẽ bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng còn hơn.


Phá giá nội tệ và tăng mạnh lãi suất (cộng với thắt chặt chi tiêu công) là liều thuốc đắng nhưng cần thiết. Những nước láng giềng của VN đều đã uống liều thuốc này trong cuộc khủng hoảng tài chính 97-99, sau đó đã giữ đồng nội tệ undervalued trong một thời gian dài và đã đều có tăng trưởng rất ấn tượng. Mong cho thống đốc Giầu "chân cứng đá mền" không thả lỏng tiền tệ/tín dụng quá sớm.

Update: Ngành giầy dép cũng có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 cao nhất trong lịch sử, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.