PDA

View Full Version : Money and banking VIII



1000percent
29-06-2011, 10:17 AM
1.
Bitcoin (BTC) không phải là đồng tiền điện tử đầu tiên, Linden của Second Life hay thậm chí Vcoin của VTC đã ra đời trước BTC khá lâu. Tuy nhiên tất cả các đồng tiền fiat từ trước đến nay, dù là tiền giấy hay tiền điện tử, đều có một đặc điểm chung là phải được centralized, nghĩa là do một thực thể duy nhất phát hành, bảo đảm và thực hiện chức năng clearing trong nhiều trường hợp [không biết clearing/clearing house dịch ra tiếng Việt là gì?]. Lý do các đồng tiền fiat cần phải có central authority là để những người sử dụng nó tin tưởng vào khả năng store of value của đồng tiền mà họ nắm giữ không bị mất quá nhanh (nên nhớ đây chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ, nhiều đồng tiền centralized nhưng vẫn bị mất giá quá nhanh và người dân/người sử dụng tìm mọi cách không phải nắm giữ chúng quá lâu). BTC là đồng tiền đầu tiên không cần central authority, ngay từ công đoạn phát hành cho đến chức năng clearing.

BTC lấy ý tưởng từ hình thức chia sẻ file peer-to-peer thông qua bittorrent, tuy nhiên người sáng tạo ra nó, Satoshi Nakamoto (http://en.wikipedia.org/wiki/Satoshi_Nakamoto), đã có những ý tưởng tuyệt vời để vượt qua những khó khăn mà một đồng tiền điện tử p2p sẽ gặp phải. Trở ngại đầu tiên là ai sẽ là người phát hành tiền và cách thức phân bổ những đồng tiền mới được tạo ra như thế nào cho công bằng? Nếu bạn nhớ lại những đồng tiền bằng đá (http://kinhtetaichinh.blogspot.com/2010/12/money-and-banking-vi.html) ở đảo Yap là những đồng tiền có tính chất decentralized (nhiều commodity currency cũng có tính chất như vậy), nghĩa là người dân tự tạo ra đồng tiền và tự trao đổi với nhau mà không cần central authority can thiệp. Nhưng để có được những đồng tiền mới, người dân đảo Yap phải bỏ thời gian, công sức, và cả resources mới khai thác được. Ý tưởng đồng tiền (store of value) cũng là store of labour có từ thời cổ đại, được áp dụng ở đảo Yap vài thế kỷ trước, và đến năm 2009 đã được Satoshi Nakamoto áp dụng cho BTC.

Trên nguyên tắc, tất cả những ai tham gia vào BTC network đều có thể tạo ra những đồng BTC mới - quá trình tạo tiền mới này gọi là mining. Có lẽ thuật ngữ "mining" được chọn không phải tình cờ vì quá trình tạo tiền này giống quá trình khai thác mỏ ở hai điểm quan trọng. Thứ nhất bạn phải bỏ công sức và thời gian để mine, bạn cũng cần phải có "vốn liếng" để làm việc này. Nếu bạn chỉ có "vốn" nhưng không biết cách hoặc không có thời gian thì bạn có thể cho thuê lại "vốn" của mình cho những người làm dịch vụ (sẽ giải thích rõ hơn bên dưới). Thứ hai, số BTC bạn mine được giảm dần theo thời gian (một dạng non-renewable resource) và thay đổi tùy theo số người tham gia mine, càng nhiều người mine thì <s>thời gian và</s> công sức bạn bỏ ra để có một BTC sẽ tốn kém hơn.



2.
Vậy quá trình mining cụ thể như thế nào? Nó có khác gì so với quá trình farming trong các online games? Trước khi trả lời câu hỏi này cần nhắc đến thách thức thứ hai của một đồng tiền decentralized, đó là vấn đề clearing cho hệ thống tiền tệ này. Ngoại trừ tiền giấy (cash) hai bên tham gia giao dịch có thể tự clear transaction với nhau, các loại tiền điện tử khác (kể cả check và electronic transfer, credit card dựa trên hệ thống tiền giấy) đều đòi hỏi phải có một (vài) central clearing house. Ví dụ khi bạn mua hàng bằng credit card, quá trình clearing thường sẽ do một vài ngân hàng thương mại đảm nhận hoặc có thể có sự tham gia của ngân hàng trung ương hay các tổ chức tài chính quốc tế khi dòng tiền phải chảy qua biên giới (vd. Visa, Paypal, BIS). Quá trình này có thể sẽ diễn ra trong 1-2 giây nhưng cũng có thể trong vài ngày. Muc đích cuối cùng của quá trình clearing là chuyển một phần purchasing power của bạn cho người bán hàng.

[Note: Ở đây cần lưu ý purchasing power có thể là current wealth hoặc future wealth của một người, nghĩa là khái niệm "tiền" không nhất thiết là những gì bạn đã làm ra (hoặc được thừa hưởng). Nếu tiền chỉ giới hạn trong current wealth thì nó tương đồng như khái niệm tiền là "store of labour" như nhiều đồng tiền trong lịch sử hay như chính BTC. Tuy nhiên hầu hết các đồng tiền hiện đại đều vượt qua khái niệm "store of past labour", khi một central bank phát hành một đồng tiền mới thì đồng tiền đó dựa trên khái niệm "store of future labour". Trên balance sheet của central bank, tiền là liability của chính quyền trung ương được đảm bảo hay cân bằng bằng assets (thường) là trái phiếu chính phủ. Còn trái phiếu chính phủ lại được đảm bảo bằng "future taxing power" của nhà nước. Việc bạn dùng credit card để mua hàng cũng tương tự như vậy, bạn dùng future labour của mình để thanh toán cho purchasing power hiện tại. Tôi sẽ viết cụ thể hơn về vấn đề này trong một entry riêng về Money and banking.]

Mục tiêu của Bitcoin network là tạo ra một dạng p2p money, nghĩa là quá trình clearing có thể diễn ra giữa 2 đối tác giao dịch hệt như khi thanh toán bằng tiền giấy hay một loại commodity money nào khác. Nhưng làm thế nào người bán có thể đảm bảo đồng BTC nhận được từ người mua không bị làm giả nếu không có một bên thức ba (clearing house) kiểm tra? Ở đây khái niệm làm giả không chỉ đơn thuần là người mua tạo ra một đồng BTC giả mà còn có thể là anh ta dùng một đồng BTC thật mua hàng ở nhiều chỗ khác nhau. Giải pháp của Satoshi Nakamoto là dùng chính Bitcoin network thực hiện chức năng clearing và những người bỏ công sức và computing power ra làm nhiệm vụ clearing này sẽ được tưởng thưởng bằng những đồng BTC mới.

Như vậy trên thực tế Bitcoin network không triệt tiêu clearing house mà chỉ chuyển đổi các central clearing houses như trong các hệ thống tiền tệ khác thành một decentralized clearing house. Một điểm khá thú vị là giữa Bitcoin network và một hệ thống fiat money hiện tại có một điểm tương đồng về khả năng làm giả tiền. Với một hệ thống tiền của một quốc gia, một người có thể làm giả tiền nếu anh ta có resource (kỹ thuật, tài chính, công sức) đủ mạnh để cạnh tranh với nhà phát hành tiền - ở đây là nhà nước. Trong hệ thống Bitcoin, một người có thể làm giả tiền nếu computing power của anh ta cạnh tranh được với computing power của những người còn lại tham gia clearing cho network. Vì Bitcoin network còn khá nhỏ nên khả năng một cá nhân hay một nhóm người nào đó có thể tập hợp computing power đủ lớn để làm giả tiền là một nguy cơ có thật và đó chính là điểm yếu của hệ thống tiền tệ này.



3.
[Note: Trước khi giải thích quá trình clearing của BTC, tôi tạm "lấn sân" các bạn IT về khái niệm "hashing" (thú thực tôi không biết cụ thể quá trình hashing thực thi như thế nào mà chỉ hiểu khái niệm). Về cơ bản hashing là một quá trình mã hóa một chuỗi dữ liệu thành một dãy số (hash) có chiều dài cố định và không bị trùng lặp. Ví dụ bạn có thể dùng phương pháp SHA-256 để hash một văn bản (với độ dài tùy ý) thành một chuỗi số có độ dài 256 bit. Chuỗi số này "độc nhất vô nhị", nghĩa là không một văn bản nào dù chỉ khác 1 ký tự có thể có hash giống hệt như vậy. Có rất nhiều phương pháp hashing với mức độ khó/phức tạp khác nhau, vd SHA-1, SHA-2, MD4, MD5... (tôi thường dùng MD5 để tạo password bằng một số free apps trên smartphone). Với những phương pháp hashing mạnh, quá trình hashing có tính chất một chiều, nghĩa là nếu bạn có chuỗi số hash, bạn gần như không thể lần ngược ra văn bản ban đầu, SHA-256 là một trong số những phương pháp đó. Một trong những ứng dụng của hash là để kiểm tra tính xác thực của một file văn bản hay dữ liệu. Giả sử bạn công bố một văn bản (rất lớn) và chuỗi số hash của nó, bất kỳ ai download hay copy văn bản đó cũng có thể kiểm tra rất nhanh xem văn bản họ nhận được có bị thay đổi so với bản gốc của bạn hay không bằng cách tính hash của văn bản họ nhận được và so sánh với hash của bản gốc do bạn công bố.]


Quá trình clearing trong Bitcoin network như sau. Mỗi khi một transaction được thực hiện, chi tiết về transaction đó được thông báo công khai cho toàn bộ network và những người đang tham gia vào dịch vụ clearing sẽ ghi lại transaction đó vào một transaction log. Với những hệ thống centralized money thì central clearing house sẽ làm việc này và không ai có thể làm giả transaction log được trừ khi bạn hack được vào máy chủ của clearing house và thay đổi nội dung của log. Trong Bitcoin network transaction log được chia ra thành các block, mỗi block có chứa hash (SHA-256) của block trước nó và các transactions mới xuất hiện cùng với một con số ngẫu nhiên. Nhiệm vụ của các thành viên clearing trong Bitcoin network là tính ra hash cho những block mới xuất hiện. Việc tính hash cho một văn bản như giải thích bên trên không khó, nhưng Satoshi Nakamoto có một sáng kiến rất thông minh là yêu cầu số hash tính được phải nhỏ hơn một target nhất định (có thể thay đổi được). Nếu chuỗi số hash bạn tính được lớn hơn target thì bạn phải thay đổi con số ngẫu nhiên trong block và tính lại hash mới.


Tất cả các thành viên tham gia clearing sẽ chạy đua với nhau để tính ra số hash "đúng" cho block mới được tạo. Một khi ai đó tính ra nó, các thành viên khác sẽ dễ dàng kiểm chứng và block đó sẽ trở thành official transaction log cho toàn bộ network. Khi bạn dùng một đồng BTC của mình để mua một sản phẩm nào đó, người bán sẽ đợi đến khi nào transaction giữa bạn và anh ta được ghi chính thức vào một block được thừa nhận, nghĩa là hash đã đạt target rồi mới chấp nhận giao hàng. Tốc độ network xử lý các block và tạo hash phụ thuộc vào 2 yếu tố: số người (và computing power) tham gia vào nhiệm vụ clearing và mức độ khó của target. Thuật toán của Bitcoin network sẽ thay đổi target (khi số người tham gia clearing thay đổi) để đảm bảo cứ khoảng 10 phút sẽ có một block mới được tạo ra, nghĩa là khi số người tham gia đông lên thì target sẽ khó đạt được hơn. Với những hoạt động mua bán online thì khoảng delay 10 phút này có thể chấp nhận được.


Đến đây chắc các bạn đã đoán được BTC mới được tạo ra như thế nào. Thành viên nào giải được hash cho một block mới sẽ được "trả công" bằng một lượng BTC mới phát hành. Do vậy mining những đồng BTC mới chính là sản phẩm của quá trình clearing. Bạn muốn tạo ra tiền thì phải bỏ công (và computing power) ra phục vụ cho cộng đồng. Đây là điểm khác biệt quan trọng giữa mining trong Bitcoin network với farming trong các trò chơi online (bên cạnh một khác biệt khác là hệ thống tiền tệ trong các games đều là centralized). Mặc dù cùng phải mất thời gian và computing power, mining ở đây tạo ra dịch vụ thực sự (có ích) cho cộng đồng chứ không chỉ đơn thuần thực hiện một số nhiệm vụ định trước để tạo ra tiền trong games như hoạt động farming. Ở điểm này Bitcoin network được thiết kế rất khéo léo và tốt hơn hệt thống tiền đá của đảo Yap hay thậm chí hệ thống gold starndard trước đây trong lịch sử (i.e. người khai thác đá hay đi đào vàng hoàn toàn vì vụ lợi cho chính mình chứ không phải cho cộng đồng - ngoại trừ tăng liquidity cho nền kinh tế).


Ban đầu "tiền công" cho một block là 50 BTC, sau đó số tiền này giảm 50% sau mỗi 210k block được tạo ra. Ý tưởng giảm dần số "tiền công" này có lẽ xuất phát từ khái niệm non-renewable resources và sẽ làm cho tổng số BTC lưu hành tiệm cận dần đến con số 21 triệu. Bên cạnh việc thu được các đồng BTC mới, các thành viên clearing/mining có thể thu phí xử lý cho những giao dịch lớn, đây có lẽ là một giải pháp để thu hút số người tham gia clearing trong tương lai khi số lượng BTC tới hạn. Tất nhiên khi BTC càng khó tạo ra thì giá trị của nó càng tăng, hay nói cách khác giá cả trong nền kinh tế sử dụng BTC giao dịch sẽ bị deflation. Tuy nhiên tốc độ deflation (và tốc độ money supply) có thể xác định trước khá chính xác, cho nên một rational agent sẽ tính toán giá cả chính xác dựa trên tốc độ deflation này. Đây cũng là ý tưởng của Milton Friedman kêu gọi bãi bỏ Fed và thay bằng một cái máy tính chạy một thuật toán xác định trước để tính ra tốc độ tăng money supply cố định.


Như đã nói bên trên, mọi thành viên trong Bitcoin network đều có quyền tham gia vào quá trình clearing để được nhận những đồng BTC mới. Tuy nhiên điều này đòi hỏi bạn phải có máy tính mạnh và trình độ IT để lập trình. Nếu không có kiến thức, bạn có thể cho thuê computing power của mình cho những nhóm chuyên nghiệp có khả năng vận hành/quản lý hoạt động clearing (nghĩa là thu thập thông tin về các transaction mới, tính hash, kiểm tra hash...). Tất nhiên máy tính của bạn phải nối mạng 24/24 và phải thực sự mạnh thì mới đáng (hầu hết các máy tính tham gia clearing đều sử dụng GPU bên cạnh CPU để thực hiện các parallel computation tasks). Việc huy động một lượng lớn computing power tham gia vào quá trình clearing có ý nghĩa quan trọng với Bitcoin network. Nếu số lượng computing power quá ít, một kẻ giả mạo có thể huy động một lượng computing power lớn hơn để tạo ra một transaction log giả, nghĩa là tính ra hash cho các block mới nhanh hơn toàn bộ network. Bitcoin network còn có một số vấn đề kỹ thuật khác mà tôi sẽ không thảo luận tiếp ở đây. Tôi sẽ dành thời gian phân tích những khía cạnh kinh tế của hệ thống tiền tệ này và đánh giá những ứng dụng tương lai của ý tưởng mà những người phát triển Bitcoin đã đưa ra.


(Còn tiếp)





Update: Một bạn cho biết thuật ngữ "clearing" được dịch là "thanh toán bù trừ". Tất nhiên dịch thuật là tương đối nhưng theo tôi dịch như vậy không hoàn toàn chính xác và có thể gây ra nhầm lẫn. Chữ "bù trừ" có lẽ xuất phát từ khái niệm "offsetting" hoặc "netting", ví dụ nếu A mua của B một món hàng trị giá $100 vào buổi sáng, sau đó bán cho B một món hàng khác trị giá $50 vào buổi chiều thì đến cuối ngày clearing house sẽ thực hiện nghiệp vụ offsetting các liabilities giữa A và B để cuối cùng chỉ phải chuyển $50 từ tài khoản của A cho B. Tuy nhiên quá trình clearing bao gồm nhiều nghiệp vụ hơn là chỉ đơn thuần thực hiện offsetting.


Clearing hiểu theo nghĩa rộng là quá trình settlement các hoạt động kinh tế tài chính (không nhất thiết là mua bán). Khi bạn ra chợ mua một bó rau, sau khi thỏa thuận giá bạn phải đưa ra một (vài) đồng bạc giấy cho người bán. Người bán phải kiểm tra tính hợp pháp của những tờ giấy bạc đó (có phải bạc giả hay không, có phải bạn vừa rút trộm từ túi một người khác hay không...), thanh toán tiền thừa cho bạn và giao bó rau cho bạn. Đấy là quá trình clearing trong một giao dịch bằng cash. Khi bạn đặt lệnh mua một số cổ phiếu trên sàn giao dịch và broker thực thi lệnh đó, đến cuối ngày clearing house (có thể là pháp nhân khác với sàn giao dịch) sẽ offset số cổ phiếu giao dịch trong ngày giữa broker của bạn với các broker khác để tính ra số cổ phiếu "net" và tiền phải trao đổi giữa các broker với nhau. Clearing house sẽ thông báo những thông tin này cho brokers và yêu cầu họ phải thực hiện trong một khoảng thời gian nào đó (T+2, T+3...). Thông thường (nhưng không nhất thiết) các brokers sẽ chuyển cổ phiếu và tiền thông qua clearing house chứ không chuyển trực tiếp cho nhau. Bởi vậy khi clearing house nhận được đầy đủ số cổ phiếu và tiền phải trao đổi thì quá trình clearing coi như chấm dứt (clearing house có thể kiêm luôn chức năng custodian - hình như được dịch là "lưu ký").


Trong thanh toán điện tử, quá trình clearing có thể phải thông qua central bank hay các tổ chức clearing quốc tế như tôi đã nêu bên trên. Một chức năng quan trọng của clearing house là kiểm tra xem tài khoản của bạn có đủ số tiền để thanh toán cho liability cần phải settle hay không. Trong lịch sử khi non-cash transaction chủ yếu thông qua những tờ check bằng giấy, người ta nói tờ check đã được "clear" nghĩa là nó đã được kiểm chứng và tiền đã (bắt đầu) được chuyển. Có lẽ khởi nguồn của từ clearing/clearing house bắt nguồn từ đây. Trong trường hợp Bitcoin bên trên, clearing cũng tương tự như clearing những tờ check trong quá khứ, nghĩa là kiểm chứng tính xác thực của đồng BTC được người mua đưa ra thanh toán và chuyển đồng tiền đó vào tài khoản của người bán (tạo ra một official block mới bao gồm transaction đó).


Như đã nói bên trên, quá trình clearing cho một giao dịch mua bán có thể chỉ diễn ra trong vài giây nhưng cũng có thể mất vài ngày (T+3 trong mua bán cổ phiếu là một ví dụ). Nhưng quá trình clearing cho các giao dịch tài chính, nhất là các derivatives, có thể dài hơn nhiều, phụ thuộc vào tính chất của từng sản phẩm. Ví dụ với một hợp đồng futures/forward thì hoạt động clearing bắt đầu từ khi hợp đồng đó được tạo ra (một bên mua và một bên bán) cho đến khi nó được đóng lại (hai bên offset positions hoặc hợp đồng hết hạn). Những loại derivatives khác như options, swap, CDS... đều có thời gian clearing dài. Với exchange traded derivatives thì clearing được tập trung trong một centralized clearing house, còn OTC derivatives thường do banks hoặc brocker-dealers đảm nhận. Một trong những khuyến nghị cải cách quan trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi là đưa tất cả (hoặc phần lớn) những giao dịch OTC, nhất là CDS, vào một central clearing house.


Tóm lại dịch chữ "clearing" thành "thanh toán bù trừ" không phản ánh được chính xác ý nghĩa của quá trình này. Nhưng tôi cũng chưa biết dịch thế nào cho đúng, hay cứ tạm dùng nguyên bản chữ clearing vậy, dù sẽ bị chê trách không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt :-(

Blogger: giangle

Ngày đăng: 23/06/2011

Blog: http://kinhtetaichinh.blogspot.com/