PDA

View Full Version : Cầm vàng mà lội qua sông…



tintucsukien
20-06-2011, 09:43 AM
Cầm vàng mà lội qua sông…
Theo nghiên cứu gần đây của Quỹ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ “dân số vàng” kéo dài trong khoảng hơn 30 năm. Tuy vậy, sự chần chừ trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách lao động phù hợp có thể làm cho chúng ta lỡ mất cơ hội này.
Thời cơ hóa rồng
"Dân số vàng", định nghĩa một cách đơn giản, là thời kỳ lực lượng lao động quốc gia đạt mức tối đa, trong khi số người phụ thuộc (người già quá độ tuổi lao động và trẻ em dưới 15 tuổi) là tối thiểu (dưới 45% tổng dân số).
Các quốc gia ở vào thời kỳ "dân số vàng" có cơ hội để tạo ra những bước phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội mà không xuất hiện lần hai. Điều này có được là do lực lượng lao động dồi dào sẽ tạo ra thêm nhiều của cải cho xã hội, đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế, trong khi phần chi tiêu cho an sinh xã hội lại được giảm xuống mức ít nhất.
Theo UNFPA, "dân số vàng" đã đóng góp ít nhất là 1/3 cho tăng trưởng kinh tế của hiện tượng "thần kỳ Đông Á" mà Nhật Bản và Hàn Quốc tạo ra trong thế kỷ XX.
http://vietstock.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=37988
Ngược lại trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan đã thất bại trong việc sử dụng ưu thế này, để hiện tại hai quốc gia trên đều đang bị vướng trong bẫy thu nhập trung bình cả chục năm qua, mà vẫn chưa tìm ra được lối thoát.
Điều này cho thấy, nếu không có môi trường chính sách phù hợp và ổn định thì ngay cả trong điều kiện tốt nhất, đất nước cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng cao khi cơ hội "vàng" xuất hiện.
Bây giờ, cờ đã đến tay Việt Nam. Nhưng liệu nước ta có tận dụng được thời cơ này để hóa thành một con rồng Châu Á khác hay không vẫn là một bài toán không dễ giải đáp.
Cái bẫy lao động giá rẻ
Điều đầu tiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam là nguồn lao động giá rẻ. Trung Quốc, dù được coi là công xưởng sản xuất đồ giá rẻ của thế giới, cũng có mức lương tối thiểu cao gấp đôi Việt Nam (173USD và 85USD - theo Bloomberg).
Tính trong tất cả các nền kinh tế ở châu Á, mức lương tối thiểu của người công nhân Việt Nam đứng thứ hai từ dưới lên, chỉ hơn Bangladesh. Nhiều nhà đầu tư cũng thừa nhận rằng, lý do để họ chọn Việt Nam trong chính sách "Trung Quốc+1" là do giá nhân công nước ta rẻ hơn cả Trung Quốc.
Tất nhiên cái gì cũng có giá của nó. Chúng ta không thể đòi hỏi có thật nhiều vốn đầu tư trong khi chi phí sản xuất không cạnh tranh so với các nước khác.
Thế nhưng cái giá của lao động giá rẻ nhiều khi cũng rất đắt: các nhà đầu tư chỉ mang đến Việt Nam những ngành cần thật nhiều lao động để tận dụng tối đa ưu thế này, trong khi những mảng chúng ta thực sự rất muốn phát triển thì họ nói không.
Điều này dẫn tới một nghịch lý trớ trêu là dù có rất nhiều các dự án đầu tư, ngành công nghiệp của Việt Nam vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, dù là với những thứ tưởng chừng như rất đơn giản. Câu chuyện Canon lục tung cả thị trường mà không tìm nổi một cái ốc-vít là một minh họa quá rõ ràng.
Cái mác nhân công giá rẻ luôn đi cùng với anh bạn đồng hành là chất lượng lao động thấp. Theo điều tra của Tổng Cục Thống Kê, tỉ lệ lao động giản đơn chiếm tới gần 40% trong tổng lực lượng lao động của nước ta.
Trong khi đó, nhân lực chất lượng cao chỉ chiếm khoảng 16.7%, khiến cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao luôn phải chạy đôn chạy đáo để tìm cho đủ nhân lực phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Không phải là chính phủ không nhận thức được vấn đề này, tuy vậy, các chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn triển khai vào thực tế. "Hàng năm có gần một triệu người tham gia vào thị trường lao động. Để đào tạo được cho hết số lượng đó thực sự là không hề đơn giản," ông Đỗ Thức, Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Thống Kê giãi bày.
Biết là không hề đơn giản, nhưng đây là việc không thể không làm. Lịch sử cho thấy sự khác biệt giữa thành công và thất bại của việc tận dụng thời cơ "dân số vàng" chính là ở tri thức: khi anh có một nguồn lao động dồi dào nhưng năng suất thấp, tỉ lệ tiết kiệm và đầu tư cho nền kinh tế cũng không tăng lên được bao nhiêu.
Một ví dụ điển hình là sự khác nhau về thu nhập đầu người giữa Hàn Quốc và Ghana ở biểu đồ phía dưới. Cả hai quốc gia này có chung một xuất phát điểm trong năm 1960. Tuy nhiên sau 30 năm, Hàn Quốc trở thành quốc gia có thu nhập cao, trong khi Ghana vẫn giữ nguyên vị thế là một nước nghèo.
Không nâng cao được chất lượng lao động lên một tầm cao mới, chúng ta vẫn có thể đạt được mức thu nhập đầu người và trình độ phát triển kinh tế như Thái Lan hiện tại, quốc gia đang đi trước Việt Nam một bước.
Nhưng để đạt được bước nhảy vọt thực sự như người Nhật hay Hàn Quốc, lao động Việt Nam cần phải chuyển từ "cần cù" sang "sáng tạo", nâng cao năng lực sản xuất và quản lý, và phải tránh được "bẫy lao động giá rẻ", theo như lời khuyên của chuyên gia về năng lực cạnh tranh quốc gia, Giáo Sư Michael Porter.
Bóng ma của tuổi già
Như quy luật đã diễn ra ở các quốc gia khác, sau thời kì "dân số vàng" (2010-2040), Việt Nam sẽ bước vào chu trình già hóa dân số, khi số người già tăng lên và số trẻ em giảm xuống. Dự tính đến năm 2050, tỉ số dân số phụ thuộc của nước ta sẽ vượt mức 60%.
Chi phí cho hệ thống an sinh xã hội tất yếu sẽ ngày càng nặng gánh, kéo theo đó là sự sụt giảm về đầu tư phát triển kinh tế.
"Rõ ràng là nếu chúng ta không đầu tư một cách thích đáng cho giáo dục, không có chiến lược nâng cao chất lượng của nguồn lao động, thì chắc chắn thời kỳ dân số vàng sẽ trôi đi và nước ta sẽ không có cơ hội phát triển thêm một lần nữa," Ông Đỗ Thức khuyến cáo.
Khắc Giang
diễn đàn kinh tế việt nam



Xem bài viết: Cầm vàng mà lội qua sông… (http://vietstock.vn/ChannelID/735/Tin-tuc/192591-default.aspx)

tintucsukien
20-06-2011, 09:43 AM
Nghe thì thấy hay hay! Tuổi trẻ VN làm ít, chơi thì nhiều, ngồi quán cafe thì khỏi phải bàn...


Xem bài viết: Cầm vàng mà lội qua sông… (http://vietstock.vn/ChannelID/735/Tin-tuc/192591-default.aspx)