PDA

View Full Version : Tương lai vẫn thuộc về đồng USD



tintucsukien
16-06-2011, 11:15 AM
Tương lai vẫn thuộc về đồng USD
Tỷ giá mua bán USD/VND trên thị trường tự do cả tháng nay thấp hơn trong ngân hàng; tỷ giá niêm yết của các ngân hàng cũng bỏ xa mức tỷ giá trần mà NHNN cho phép. Nhiều người đã quyết định “đổi” USD sang VND hoặc vàng. Nhưng nếu cho rằng USD đã “hết thời” thì... chưa chắc!
Không có lửa làm sao có khói!
NHNN tỏ ra linh hoạt đến “khó hiểu” trong việc ấn định tỷ giá bình quân liên ngân hàng mỗi ngày. Các NHTM vẫn chưa tìm ra một quy luật hay một lý do có căn cứ nào để đoán định về mức tỷ giá này của NHNN. Song có lẽ chính vì thế mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng trở nên “ý nghĩa” hơn, được các NHTM quan tâm hơn.
http://vietstock.vn/ImageView.aspx?ThumbnailID=37693
Ngày 8/6, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đang ở mức 20.600-20.829 đồng/USD. Tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM là 20.785 đồng/USD, nhưng không ngân hàng nào bán ra với mức đó. Vietcombank sáng 8/6 niêm yết tỷ giá (mua vào bán ra) ở 20.550-20.700 đồng/USD, tăng 20 đồng (mua vào) và 90 đồng (bán ra) so với sáng hôm trước đó. Tại ACB niêm yết tỷ giá ở 20.500-20.590 đồng, tăng 10 đồng giá mua vào và 20 đồng giá bán ra. Eximbank lại niêm yết ở 20.470-20.580 đồng; Vietinbank là 20.480-20.620 đồng/USD... Như vậy, tỷ giá công bố giữa các NHTM khá “lộn xộn”, rất khác với trước đây - khi USD có vẻ khan hiếm thì mức tỷ giá niêm yết của các NHTM thường như nhau, chạm trần của NHNN, và chênh lệch giữa giá mua vào bán ra không đáng kể. Có thể thấy rõ là tỷ giá mua bán USD trên thị trường tiếp tục dưới mức trần của NHNN; và khoảng cách giữa giá mua vào, bán ra đang ngày càng rộng. Ngoài thị trường tự do, có ngày tỷ giá mua bán thấp hơn trong ngân hàng đến 80 đồng/USD. Những yếu tố trên cho thấy bên mua đang ở “cửa trên”. Do đó, các NHTM tiếp tục mua ròng ngoại tệ. Nhưng để kết luận cung USD đang nhiều hơn cầu thì chưa phải lúc. Vì sao?
Theo công bố của NHNN, tín dụng đối với nền kinh tế đến 19/5/2011 ước tăng 0,01% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VND giảm 0,64%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 2,19% (cùng kỳ năm 2010 là 3,16%/năm). Như vậy, cho dù NHNN đã áp dụng rất nhiều biện pháp nhưng rồi cuối cùng, từ đầu năm 2010 đến nay, tín dụng ngoại tệ (tuy có giảm so với trước) vẫn chiếm ưu thế hơn so với VND. Trong khi đó, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến 19/5/2011 ước tăng 0,56% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VND tăng 1,32%, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 1,96%. Chính sự mất cân đối giữa huy động và cho vay bằng USD hiện nay sẽ làm cho cầu ngoại tệ tăng trong thời gian tới. Đây là mối lo ngại về rủi ro tỷ giá rất lớn đối với ngân hàng và doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Có lẽ lường trước điều này nên NHNN tiếp tục “ra tay” đối với USD, cho dù thị trường ngoại tệ đã ổn định hơn trước rất nhiều. Việc cấp tập ban hành các quy định về ngoại tệ của NHNN ngay trong những ngày đầu tháng 6 cho thấy điều đó. Cụ thể, với Thông tư số 14/2011/TT-NHNN quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của tổ chức chỉ còn 0,5%/năm; của cá nhân là 2,0%/năm. Theo Quyết định số 1209/QĐ-NHNN ngày 1/6/2011, NHNN cũng đã điều chỉnh tăng 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ, áp dụng kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 6/2011. Không những thế, NHNN còn ban hành thông tư mở rộng đối tượng doanh nghiệp phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, bao gồm Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước (kể cả các doanh nghiệp thành viên có vốn nhà nước trên 50%). Nguồn ngoại tệ phải bán bao gồm: (i) Ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ có kỳ hạn và không kỳ hạn của tổ chức gửi tại tổ chức tín dụng được phép tại thời điểm ngày 1/07/2011; (ii) Ngoại tệ thu được từ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp (trừ các nguồn thu từ giao dịch vốn) phát sinh từ ngày 1/7/2011.
Chưa giải được bài toán lợi ích
Những chính sách này của NHNN một mặt làm tăng cung ngoại tệ, mặt khác làm giảm cầu ngoại tệ, về lý thuyết, sẽ làm cho vị thế của đồng USD trên thị trường yếu đi. Nhưng thực tế có diễn ra như vậy?
Sự mất cân đối giữa huy động, cho vay bằng USD hiện nay làm cho cầu ngoại tệ tăng trong thời gian tới, tạo nên lo ngại về rủi ro tỷ giá

Thứ nhất, lãi suất huy động USD thấp sẽ khiến người dân chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND. Mức tăng tỷ lệ tiền gửi VND trong tháng 5 vừa qua đã cho thấy điều đó. Thế nhưng, nếu tính theo năm thì lạm phát của Việt Nam vào tháng 5 đã lên đến 20%. Việc Chính phủ công bố điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát năm nay lên 15% thay vì 12% như trước đây khó làm an lòng dân chúng, mà ngược lại người ta thấy rõ VND đã và đang ngày càng mất giá. Nên cho dù gửi tiết kiệm VND với lãi suất “vượt rào” của NHNN (trên 14%) cũng không ăn thua. Do đó, chỉ những người có ít tiền nhàn rỗi mới tính chuyện chuyển qua VND gửi tiết kiệm lấy lãi cao hơn gửi USD; còn người dư dả thật sự thì VND không chắc đã phải lựa chọn lâu dài đối với họ.
Thứ hai, việc NHNN tăng dự trữ ngoại tệ sẽ làm tăng chi phí vốn đầu vào của các NHTM nhằm đẩy lãi suất cho vay bằng ngoại tệ lên. Nhưng cho dù lãi suất cho vay bằng USD lên đến 10%/năm (hiện đang là 7-8%/năm) thì so với lãi suất cho vay bằng VND đang ở mức trên 24%/năm chi phí vay bằng USD vẫn thấp hơn vay VND rất nhiều. Không những thế, Thống đốc NHNN Việt Nam thừa nhận, việc giảm lãi suất cho vay VND còn phục thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là chỉ khi CPI giảm thì lãi suất mới giảm. Mà rõ ràng CPI chưa thể giảm ngay được. Các chuyên gia dự báo, khả quan lắm thì chỉ có thể giảm đà tăng của CPI từ quý III/2011 trở đi. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng tín dụng phải giảm, giảm rất mạnh. Nếu vậy lãi suất cho vay không thể giảm.
Thứ ba, tỷ giá USD/VND giảm đã khiến nhập khẩu tăng chóng mặt. 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 34,75 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó nhập khẩu ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ. Nhập siêu 5 tháng gần 6,6 tỷ USD, chiếm hơn 18,9% kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ này cao hơn cả chỉ tiêu Quốc hội thông qua (18,0%) lẫn chỉ tiêu Chính phủ yêu cầu (16,0%). Bộ Công Thương liên tiếp yêu cầu các bộ ngành liên quan phối hợp để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Thế nhưng thị trường luôn “đi trước một bước” so với chính sách. Bằng chứng là kim ngạch nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ đã tăng đột biến trước khi Thông tư 20 của Bộ Công Thương về hạn chế nhập khẩu ôtô có hiệu lực. Mặt khác, nếu tỷ giá giảm thì hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ đi, nhu cầu dùng hàng ngoại sẽ tăng... Do cơ cấu kinh tế nước ta chưa thể chuyển dịch kịp nên xuất khẩu vẫn là hướng phát triển trong một thời gian nữa. Hỗ trợ xuất khẩu bằng cách làm cho đồng nội tệ mất giá ở mức nhất định vẫn là chính sách truyền thống của Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Một vấn đề khác, thời gian gần đây vị thế của đồng USD trên thị trường tiền tệ thế giới đã suy giảm. Thế nhưng với sức mạnh của mình, nước Mỹ sẽ không dễ gì để đồng Yên Nhật, đồng Nhân dân tệ, hay đồng tiền nào đó soán ngôi đồng USD. Chính vì thế, với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì USD sẽ vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Chưa kể, trong một thời gian dài vừa qua, do phải can thiệp để ổn định thị trường, quỹ này đã bị hao hụt đáng kể, và đây là lúc thuận lợi để NHNN mua ngoại tệ vào để bù đắp sự hao hụt này. Con số mua ròng khoảng 877 triệu USD của NHNN trong 5 tháng qua chưa phải là nhiều. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết, nếu cung USD nhiều, NHNN sẽ tiếp tục mua vào để tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Tổng hợp những yếu tố trên cho thấy, trong trung hạn đồng USD vẫn chiếm ưu thế nhất định trong nền kinh tế.
Ngân Hà
diễn đàn doanh nghiệp

tintucsukien
16-06-2011, 11:16 AM
Nếu CP và NHNN quyết tâm chống đô la hoá, bảo vệ tiền đồng thì chúng ta có thể làm được và nên làm. Thậm chí tới đây nên tiếp tục giảm lãi suất huy động usd, để mọi người dân và DN không còn nắm giữ đô la nữa.

Nhưng khi người dân và DN có nhu cầu chính đáng thì phải đáp ứng tốt, khi lạm phát xuống thấp NHNN nên tiếp mục tăng dự trữ ngoại hối, và sẵn sàng bán mạnh ra khi TT có nhu cầu lớn.

Công cụ đang trong tay CP và NHNN.


Xem bài viết: Tương lai vẫn thuộc về đồng USD (http://vietstock.vn/ChannelID/759/Tin-tuc/192305-default.aspx)